Không hợp nhưng vẫn phải phối hợp: 5 mẹo làm việc với đồng nghiệp thiếu thiện cảm2025.05.08

Có yêu có ghét là chuyện bình thường, nhất là trong môi trường công sở. Bạn không thể lựa chọn đồng nghiệp, vậy nên mới xảy ra tình trạng người thì cực kỳ dễ chịu, người thì lại khó có thể ưa. Song, điều này chỉ bất thường khi bạn để cảm xúc của bản thân đối với họ lấn át, dẫn đến ảnh hưởng hiệu suất làm việc và tinh thần chung của cả tập thể.

Nếu đang rơi vào hoàn cảnh tương tự, phải làm việc cùng một đồng nghiệp mà mình không mấy thiện cảm, bạn sẽ đối phó như thế nào? Bài viết sau không khiến bạn trở nên yêu quý họ hơn, nhưng sẽ giúp bạn gạt bỏ sự “không ưa” ấy để làm việc hiệu quả. 

Tập trung vào mục tiêu chung, không phải cảm xúc cá nhân

Nếu xét về mặt cảm xúc, có rất nhiều lý do để bạn không ưa một ai đó. Chỉ cần một lời nói, hành động của họ qua “lăng kính cảm xúc” của bạn cũng sẽ biến thành cà khịa, chê bai. Thay vì thế, hãy cố gắng gạt suy nghĩ cá nhân qua một bên và tập trung vào mục tiêu chung. Hãy chỉ quan tâm đến công việc và những đóng góp của họ đối với tổ chức. 

Khi chỉ xoay quanh kết quả đạt được, bạn sẽ không phải xét nét hay để tâm về họ quá nhiều. Trái lại, bạn cũng có thể sẽ tìm ra một số mặt tốt của người đó trong phong cách làm việc. Những suy nghĩ thiếu thiện cảm lúc này sẽ được giảm thiểu đi nhường chỗ cho đích đến của cả một tập thể.

Giao tiếp qua văn bản để giảm va chạm cảm xúc

Điều kiêng kỵ khi làm việc với một đồng nghiệp thiếu thiện cảm đó là giao tiếp trực tiếp. Bởi lẽ trong hoàn cảnh này, ít ai có thể kìm nén cảm xúc của mình và dễ nói ra những điều không hay. Cách giải quyết là bạn chỉ nên giao tiếp thông qua văn bản, tránh việc phải bộc lộ cảm xúc quá nhiều.

Cụ thể, bạn có thể chọn giao tiếp qua tin nhắn nội bộ, email hay những hình thức giao tiếp bằng văn bản khác. Chúng sẽ giúp bạn suy nghĩ kỹ trước khi gửi đi bất cứ nội dung nào, hạn chế được những tranh luận không đáng có liên quan đến tông giọng. Mặt khác, đây cũng là cách để bạn lưu giữ chứng cứ nếu có bất đồng xảy ra. 

Thiết lập ranh giới rõ ràng nhưng tôn trọng

Bạn không nhất thiết phải tránh mặt họ trong bất cứ tình huống nào ở công ty. Thay vì vậy, hãy thiết lập một ranh giới rõ ràng để giảm thiểu đi những nhạy cảm trong mối quan hệ. Điển hình là rạch ròi trong vai trò ở dự án, giảm thiểu sự tương tác khi không thật sự cần thiết. Đặc biệt, bạn không nên để câu chuyện cá nhân làm ảnh hưởng đến tập thể. 

Song, ranh giới này vẫn phải đảm bảo sự tôn trọng dành cho đối phương. Có thể nói là không quá gần nhưng cũng không quá xa, đủ để thúc đẩy cho cả hai cùng phát triển.

Dùng người thứ ba trung gian khi cần (manager, team leader)

Skeptical diverse hr managers interviewing female applicant, bad first impression

Trường hợp không thể kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người thứ ba khi cần giao tiếp, trao đổi với đồng nghiệp. Lúc này, manager hay team leader sẽ đóng vai trò “trung hòa” đôi bên mà không khiến vấn đề ngày càng nghiêm trọng. 

Đôi khi, bản thân bạn phải chấp nhận cảm xúc không được như kỳ vọng. Nhưng thay vì trốn tránh, hãy học cách đối diện với nó và tìm kiếm sự giúp đỡ. Đây được xem là kỹ năng giúp bạn có thể “sinh tồn” tốt ở chốn công sở mà không dính vào những mâu thuẫn không đáng có. Mặt khác, nó cũng hạn chế những cảm xúc tiêu cực, nặng nề khi bất đắc dĩ phải tiếp xúc với người không mấy thiện cảm.

Điều chỉnh kỳ vọng: Không mong họ thay đổi, hãy thay đổi cách tiếp cận

Tất nhiên, bạn rất khó để thay đổi một người, thậm chí còn là người mà bản thân không mấy thích thú. Khi càng mong chờ đối phương thay đổi, tâm trạng của bạn càng trở nên mệt mỏi, thất vọng. Điều này kéo dài sẽ khiến hiệu suất làm việc đi xuống và người “bùng nổ” trước sẽ là bản thân bạn.

Thay vì thế, hãy chấp nhận một sự thật rằng bạn hoàn toàn không thể điều khiển ai khác, chỉ có cách là thay đổi cách tiếp cận. Không bắt buộc bạn phải tỏ ra thân thiết với họ, nhưng đừng phản ứng thái quá nếu họ chủ động trao đổi hay mong muốn hợp tác vui vẻ. Có như thế, suy nghĩ của bạn mới không bị vướng bận và dồn toàn lực cho công việc của mình.

Có thể nói, cuộc sống là tập hợp của nhiều kiểu tính cách khác nhau, doanh nghiệp cũng không phải ngoại lệ. Song, hãy luôn ghi nhớ rằng nơi làm việc không phải là môi trường lý tưởng để tìm bạn thân mà là nơi để bạn đóng góp giá trị của mình. Trong đó, thích nghi với những đồng nghiệp thiếu thiện cảm cũng là kỹ năng quan trọng để bạn có thể sống sót, thích nghi với bất cứ tổ chức nào. 

Cre: Internet.