“Thế hệ cợt nhả” - danh xưng tưởng chừng như vô hại nhưng cụm từ này ngày càng có xu hướng gắn nhãn dán nặng nề cho toàn bộ phận người trẻ. Vậy việc nói genZ “cợt nhả” liệu có đúng hay không?
“Thế hệ cợt nhả” – danh xưng này trở nên hot trong thời gian gần đây khi nhắc đến thế hệ gen Z. Song, tưởng chừng như vô hại nhưng cụm từ này ngày càng có xu hướng gắn nhãn dán nặng nề cho toàn bộ phận người trẻ. Vậy việc nói genZ “cợt nhả” liệu có đúng hay không? Có chăng chúng ta đang có những thành kiến khắt khe với thế hệ này? Hãy cùng theo dõi!
“Thế hệ cợt nhả” là từ khóa đang trở nên cực kỳ phổ biến ở nền tảng mạng xã hội. Nó được dùng để mô tả một thế hệ gen Z có tinh thần lạc quan và cách nhìn hài hước trước mọi tình huống, thử thách trong cuộc sống. Thế nhưng đối với một số người, từ khóa này lại viral theo cách không mấy thiện cảm.
Cụ thể, “cợt nhả” như một nhãn dán đầy phiến diện cho một thế hệ trẻ bị đánh giá là thiếu nghiêm túc, dễ bỏ cuộc, lố lăng,… Theo góc nhìn của những người này, sự hài hước, vui vẻ của gen Z lại biến thành sự thiếu nghiêm túc khi làm content thì phải chèn meme, làm sale thì phải thả icon vô tội vạ hay khi chốt đơn cũng phải kèm theo một câu nói bông đùa.
Chính những điều này đặt ra dấu chấm hỏi lớn: Phải chăng sự vui vẻ, hài hước ấy là thiếu nghiêm túc? Liệu chúng ta có đang quá khắt khe với một thế hệ đang cố gắng “vô tư hóa” mọi vấn đề hay không?
Bạn có đang quá khắt khe với thế hệ GenZ?
Để giải oan cho thế hệ gen Z, chúng ta hãy thử đặt mình vào bối cảnh mà những người trẻ này đang phải đối diện. Gen Z lớn lên trong một thời đại đầy những khủng hoảng: Nền kinh tế suy thoái toàn cầu, nhà cửa ngày càng trở nên đắt đỏ, công việc thì lại quá khó tìm. Trên mạng xã hội lúc này, mỗi ngày lại xuất hiện nhan nhản những tin tức về tấm gương xuất sắc nào đó kèm theo những câu đại loại như “tốc độ thành công của bạn nhất định phải nhanh hơn tốc độ gia đì của bố mẹ”. Điều này khiến áp lực “thành công sớm” của thế hệ trẻ ngày càng đè nặng lên vai.
Thế nhưng, khi đối mặt với những áp lực này, thay vì than thở thì họ lại chọn cách… cười! Họ dùng một thái độ đầy châm biếm, hài hước và nhẹ nhàng trước những lời đả kích, khích bác trong cuộc sống. Thậm chí trước những vấn đề tưởng chừng như nan giải, họ vẫn có thể thả nhẹ một cái “icon”.
Hay nói cách khác, khái niệm “cợt nhả” ở đây chính là khả năng ứng biến linh hoạt giữa những tình huống khác nhau của cuộc sống. Việc dũng cảm nhìn thẳng vấn đề được gen Z áp dụng như chiến lược sinh tồn mềm mại nhằm giảm bớt những gánh nặng bủa vây.
GenZ là thế hệ “cợt nhả” hay “linh hoạt”?
Vậy trong công việc, gen Z có thật sự “cợt nhả” như mọi người vẫn nghĩ hay không? Câu trả lời lúc này không thể tóm gọn trong chữ “Có” hoặc “Không” mà phải phụ thuộc vào cách nhìn nhận của bạn đối với thế hệ này. Sau đây là một số tái định nghĩa về tính hiệu quả, chuyên nghiệp mà gen Z đem lại:
Những người trẻ này có một khả năng đặc biệt đó chính là “multitask cảm xúc”. Cụ thể, họ có thể vừa đùa giỡn vừa căng mình chạy deadline. Bởi lẽ khi phải đối mặt với núi công việc, thay vì cố “diễn” bằng một nét chuyên nghiệp thì họ chọn cách bày tỏ mọi cảm xúc của mình. Kết quả là tinh thần luôn được thoải mái để đảm bảo hoàn thiện deadline đúng giờ.
Không hẳn là muốn “nổi loạn” trước những ràng buộc của công ty nhưng gen Z lại khao khát một môi trường có thể thoải mái thể hiện bản thân. Thay vì vùi mình vào bầu không khí tĩnh mịch, nghiêm túc, họ tin rằng một môi trường cởi mở và có sự kết nối sẽ thúc đẩy năng lực hợp tác của đội nhóm mạnh mẽ hơn.
Một Gen Z có thể brainstorm campaign bằng meme viral nhưng vẫn thuyết phục sếp bằng dữ liệu rõ ràng. Họ không sợ bị đánh giá là “lố” nếu điều này làm bật lên thông điệp mà họ muốn truyền tải. Có thể nói, đằng sau thứ mà chúng ta cho là “cợt nhả” đó lại là một nền tảng tư duy đầy sáng tạo, phá cách, thứ gây ấn tượng trong mắt nhà lãnh đạo.
Quan trọng là, sự hài hước không làm giảm giá trị chuyên môn nếu dùng nó đúng lúc, đúng chỗ. Thay vì lấp liếm trách nhiệm, Gen Z chọn nó để xoa dịu áp lực, kết nối và truyền cảm hứng đến mọi người. Thế hệ này đang tiếp cận mọi vấn đề theo một cách rất khác, hay nói đúng hơn là thái độ mềm mại, để tạo ra một văn hóa công sở tích cực hơn.
Có thể thấy rằng, “Thế hệ cợt nhả” thực ra là cụm từ đại diện cho sự linh hoạt trong ứng biến của người trẻ. Họ không im lặng chịu đựng như các thế hệ trước, mà biết đặt câu hỏi, biết phản biện, biết tự chữa lành. Và có lẽ, thế hệ biết cười trong thời đại nhiều biến cố, áp lực như ngày nay, chính là thế hệ bản lĩnh nhất.
Nguồn: Internet.