Bạn từng có ý định từ bỏ công việc hiện tại và chuyển ngành?2025.05.15

Chuyển ngành từng là một suy nghĩ xa vời vì có quá nhiều sự mạo hiểm, thách thức. Thế nhưng, nó lại ngày càng xuất hiện thường trực trong tâm trí của những người đi làm hiện nay.

Chuyển ngành từng là một suy nghĩ xa vời vì có quá nhiều sự mạo hiểm, thách thức. Thế nhưng, nó lại ngày càng xuất hiện thường trực trong tâm trí của những người đi làm hiện nay. Bởi lẽ trước bối cảnh xã hội thay đổi không ngừng, chúng ta lại càng khao khát tìm về những giá trị hay những con đường mà mình hằng mong muốn.

Trước những khao khát đó, bạn có đủ bản lĩnh để bắt đầu lại cuộc hành trình của mình theo một hướng khác đầy chông gai hay không? Nếu vẫn còn do dự, bài viết sau đây chính là dành cho bạn!

1. Khi câu hỏi “Hay là mình làm lại từ đầu?” cứ lặp đi lặp lại

Có bao giờ trong guồng quay của những công việc nhàm chán lặp đi lặp lại mỗi ngày, trong đầu bạn bỗng xuất hiện một câu hỏi: “Hay là mình làm lại từ đầu?”. Điều này đặc biệt không còn xa lạ với những người đi làm lâu năm, thậm chí trở nên ám ảnh. Họ không còn động lực để đến công ty mỗi ngày, không còn hứng thú với công việc được giao. Mỗi ngày khi thức dậy, họ phải đấu tranh nội tâm cực kỳ dữ dội để không nhấn nút “nghỉ làm”.

Trước đây, khái niệm “chuyển ngành” vẫn còn quá xa xỉ với nhiều người và được xem là cực kỳ mạo hiểm. Tuy nhiên trong thời đại ngày nay, chúng ta không còn bị ràng buộc bởi một số ngành nghề nhất định. Sự ra đời của hàng loạt vị trí công việc mới như Marketing, Thiết kế, UI/UX,… khiến lựa chọn “làm lại từ đầu” càng trở nên hấp dẫn, thuyết phục. Điều trăn trở còn lại duy nhất lúc này đó chính là bạn có thật sự can đảm để chuyển ngành hay không.


Bạn đã từng tự đặt câu hỏi “Hay mình làm lại từ đầu” chưa?

2. Làm lại từ đầu: Rủi ro hay cơ hội?

Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng việc làm lại từ đầu sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro. Bạn sẽ phải cân nhắc về vấn đề lương thấp, thiếu ổn định hay bỡ ngỡ reset về vạch xuất phát trong khi bạn bè trang lứa đã có thu nhập ổn định, lên vị trí trưởng phòng,…

Thế nhưng nghĩ tích cực hơn, hành trang bạn mang theo đó chính là những kỹ năng, kinh nghiệm nền tảng của ngành cũ. Đây chính là những tài nguyên cực kỳ “đắt giá” mà những ai “thuần fresher” không thể có được. Chẳng hạn một người làm kế toán khi chuyển qua mảng Data sẽ có khả năng phân tích dữ liệu tốt hơn fresher. Hoặc khi designer chuyển qua marketing sẽ biết cách tạo điểm nhấn cho sản phẩm bằng con mắt thẩm mỹ của mình. 

Lúc này, kinh nghiệm không phải là vấn đề. Điều quan trọng là bạn có chấp nhận là người mới nhưng có chiến lược học nhanh, chọn đúng hướng và tận dụng điểm mạnh cũ hay không. Đáp ứng được những điều này, bạn sẽ sớm trở thành một  “Fresher linh hoạt”.


Những kỹ năng, kinh nghiệm nền tảng của ngành cũ chính là những tài nguyên cực kỳ “đắt giá”

3. Khi nào thì bạn nên “từ bỏ để làm lại”?

Quyết định “từ bỏ để làm lại” hay không còn phụ thuộc vào ý chí và bản lĩnh của bạn. Tuy nhiên nếu cảm thấy bản thân đang rơi vào các trạng thái sau đây, hãy nghiêm túc ngồi xuống và đối thoại với bản thân mình:

  • Bạn không còn thấy mục tiêu rõ ràng ở công việc hiện tại, mục đích làm việc mỗi ngày chỉ để “chạy KPI”.
  • Bạn thường xuyên thấy ghen tị hoặc tò mò với công việc của người khác. Đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang ở “nhầm chỗ” và vẫn muốn tìm tòi những cái mới.
  • Bạn cảm thấy vẫn còn năng lượng để học, để sai, để thử. Đây là một dấu hiệu tốt để bạn làm lại và không bỏ cuộc trên hành trình mới của mình.

Vốn dĩ, chuyển ngành là một chặng đường mà tại đó, bạn cần tự đánh giá bản thân thật kỹ. Không nên làm theo cảm hứng nhất thời hay vội vã quyết định trong ngày một ngày hai.


Hãy tự đánh giá bản thân trước khi quyết định “từ bỏ”

4. Làm sao để “nhảy ngành” không liều lĩnh?

Để lựa chọn nhảy ngành không phải là quyết định liều lĩnh, trước hết bạn cần phải hiểu đây thực chất là thay đổi hướng đi chứ không phải bỏ đi tất cả. Do đó, đừng vội vàng từ bỏ công việc cũ mà hãy dành thời gian cho các khóa học online để nắm cơ bản ngành mới. Bạn cũng có thể nghe podcast, đọc tài liệu chuyên ngành hoặc theo dõi các chuyên gia trong cùng lĩnh vực. 

Mặt khác, hãy xây dựng mạng lưới và tiếp cận thị trường bằng cách tham gia những hội thảo, sự kiện . Tại đây, bạn có thể làm quen với môi trường, nền tảng tư duy cũng như dễ dàng tìm kiếm mentor ở lĩnh vực mới để được định hướng rõ ràng. 


Đừng vội từ bỏ công việc cũ khi chưa có được công việc mới

5. Kết luận

Nói tóm lại, thay đổi lĩnh vực là quyết định lớn, nhưng không ai bắt đầu lại thật sự từ con số 0 nếu bạn biết tận dụng kiến thức từ công việc cũ. Đây vẫn sẽ là cơ hội đầy rộng mở cho bạn nếu có tinh thần cầu thị, học hỏi và hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Cuối cùng hãy nhớ rằng, đôi khi để tiến xa hơn, bạn cần chấp nhận “đi chậm một đoạn” nhưng đúng hướng.

Nguồn: Internet.