-
TOP
- News & Topics
- HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG & NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN RÕ TRƯỚC KHI ĐẶT BÚT VÀO KÝ
HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG & NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN RÕ TRƯỚC KHI ĐẶT BÚT VÀO KÝ2021.05.21
- Trước khi đặt bút ký vào bất kì một hợp đồng lao động nào, dù là ngắn hạn hay dài hạn, bạn cũng cần phải xem xét thật kĩ những điều sau.
- Hợp đồng lao động là cam kết giữa người lao động và người sử dụng lao động để các giao kết làm việc được minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho đôi bên. Tuy nhiên, nhiều bạn không hiểu rõ các quy định pháp luật và đặt bút vào ký hợp đồng thiếu rõ ràng khiến sự nghiệp bị ảnh hưởng khá nhiều. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết sau sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn phần nào về các hạng mục cần có trong hợp đồng lao động nhé!
- Những nội dung cần phải có trong hợp đồng lao động
- 1. Tên và địa chỉ của đại diện doanh nghiệp/ người sử dụng lao động
- Điều đầu tiên bạn cần quan tâm là người cùng bạn ký kết hợp đồng lao động. Điều này giúp bạn có thêm sự đảm bảo về công ty. Hiện nay, hai trường hợp thường gặp khi ký kết là:
- Trường hợp 1: Cá nhân thuê/ mướn người lao động. Nội dung phải đầy đủ các thông tin cá nhân của người thuê/ mướn gồm: họ & tên, CMND/ CCCD hoặc hộ chiếu được cấp.
- Trường hợp 2: Doanh nghiệp thuê/ mướn người lao động. Bạn cần phải làm rõ các nội dung như sau: tên doanh nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, họ & tên người đại diện, chức danh, quốc tịch, địa chỉ, ngày tháng năm sinh.
- 2. CMND/ giấy tờ hợp pháp của người lao động
- Đối với lao động trên 18 tuổi, hợp đồng cần liệt kê rõ thông tin cá nhân như: họ & tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú, CMND/ CCCD hoặc số hộ chiếu.
- Đối với lao động dưới 18 tuổi, bạn cần phải cung cấp thông tin cá nhân của người đại diện theo pháp luật và văn bản của người lao động dưới 18 tuổi đồng ý để người đại diện thay mặt giao kết hợp đồng.
- 3. Công việc & địa điểm làm việc
- Tại mục này, hợp đồng lao động cần phải ghi rõ công việc mà người lao động phải thực hiện là gì và địa điểm làm việc.
- Đây là một hạng mục vô cùng quan trọng mà bạn cần lưu ý. Nếu công việc bạn được phân công, địa điểm làm việc không đúng với hợp đồng lao động, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải đền bù bất cứ một khoản chi phí nào (thời hạn hợp đồng dưới 12 tháng).
- Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cần phải có thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc hợp đồng. Còn đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì nội dung cần ghi rõ thời điểm bắt đầu hợp đồng lao động.
- Một lưu ý nữa là đối với hợp đồng có thời hạn, doanh nghiệp/ người sử dụng lao động chỉ được quyền ký với người lao động tối đa 2 lần. Sau 2 lần, hợp đồng lao động sẽ được thay thế bằng loại hợp đồng vô thời hạn.
- Hiện nay có một số công ty lách luật, tránh việc ký hợp đồng vô thời hạn bằng hình thức yêu cầu nhân viên ký phụ lục hợp đồng gia tăng thời gian làm việc. Tuy nhiên, phụ lục này chỉ có giá trị kéo dài thời gian, không được làm thay đổi loại hình hợp đồng. Theo đó, người sử dụng lao động/ doanh nghiệp chỉ được ký thêm 1 lần phụ lục hợp đồng để thay đổi thời hạn hợp đồng.
- 5. Mức lương & hình thức trả lương
- Hợp đồng cần phải ghi cụ thể mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, các khoản phụ cấp, mức lương tăng ca (nếu có). Nếu công ty không thanh toán lương đúng như những gì thỏa thuận trong hợp đồng, bạn có quyền đơn phương chấm dứt.
- Bên cạnh đó, hợp đồng cũng cần phải làm rõ về các vấn đề chế độ như nâng ngạch, nâng bậc, tăng lương gồm: điều kiện, thời gian, thời điểm và mức lương sau khi nâng bậc mà hai bên đã thỏa thuận trước đó.
- 6. Thời gian làm việc & nghỉ ngơi
- Một hạng mục bạn cần xem xét cẩn thận trong hợp đồng là thời gian làm việc, nghỉ ngơi. Nội dung gồm: thời gian làm việc trong ngày, trong tuần, làm ca, quy định đầy đủ thời gian bắt đầu, kết thúc và cũng nên quy định chi tiết cả thời gian nghỉ lễ, tết, nghỉ hưởng lương,…
- 7. Bảo hiểm xã hội & bảo hiểm y tế
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là những điều bạn bắt buộc phải cân nhắc trước khi đặt bút vào ký hợp đồng lao động. Mỗi công ty đều có chế độ đóng BHYT, BHXH và BHTN khác nhau nhưng mức đóng tối thiểu phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- 8. Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động
- Với các ngành nghề, vị trí đặc biệt thì trong hợp đồng cần quy định cụ thể các trang thiết vị bảo hộ, đảm bảo an toàn cho người lao động.
- 9. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề
- Trong quá trình làm việc, nếu người lao động cần đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn thì hợp đồng lao động cần ghi rõ ràng, cụ thể các nội dung về thời gian, kinh phí đào tạo.
- Nếu các điều khoản không quy định rõ ràng và bạn không hiểu đúng nội dung sẽ ảnh hưởng đến việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của bạn. Trong vài trường hợp, bạn bắt buộc phải đền bù kinh phí đào tạo cho người sử dụng lao động.
- Những điều khoản khác trong hợp đồng lao động mà bạn cần phải lưu ý
- Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp có quy định khác được nêu trong hợp đồng.
- Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
- Bộ Luật Lao Động hiện nay đã quy định ở điều 23 là:
- “Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.”
- Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp yêu cầu người lao động không được làm việc tại công ty đối thủ trong vòng 2 – 3 năm sau nghỉ việc. Tuy nhiên, pháp luật có quy định người sử dụng lao động không được can thiệp vào công việc của người lao động. Vì thế, bạn có quyền từ chối ký các thỏa thuận bảo mật nếu thấy điều khoản quy định như thế này.