3 ƯU ĐIỂM VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA VIỆC SỬ DỤNG CÔNG CỤ ĐÁNH GIÁ TRONG TUYỂN DỤNG
3 ƯU ĐIỂM VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA VIỆC SỬ DỤNG CÔNG CỤ ĐÁNH GIÁ TRONG TUYỂN DỤNG2021.05.25
Các công cụ đánh giá trong tuyển dụng mang lại rất nhiều lợi ích. Song, bên cạnh các ưu điểm, doanh nghiệp nên biết thêm các khuyết điểm tồn đọng để có cái nhìn toàn diện và cân nhắc thấu đáo trước khi áp dụng các công cụ đánh giá này vào quy trình tuyển dụng của công ty mình.
Được phát triển nhằm giúp doanh nghiệp và nhà tuyển dụng đạt được hiệu quả cao hơn trong quá trình tuyển chọn nhân tài phù hợp với vị trí và công ty mình, các công cụ đánh giá trong tuyển dụng mang lại rất nhiều lợi ích, bên cạnh các ưu điểm, doanh nghiệp nên biết thêm các khuyết điểm tồn đọng để có cái nhìn toàn diện và cân nhắc thấu đáo trước khi áp dụng các công cụ đánh giá này vào quy trình tuyển dụng của công ty mình.
Ưu điểm:
01. Tiết kiệm thời gian và công sức trong tuyển dụng
Khi cần phải đánh giá và lựa chọn người phù hợp từ một số lượng ứng viên lớn, việc sử dụng bài kiểm tra sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho cả ứng viên lẫn nhà tuyển dụng. Đồng thời, các bài test tâm lý và tính cách cũng là công cụ hỗ trợ nhà tuyển dụng trong việc hiểu rõ tính cách ứng viên để tránh rủi ro của việc tuyển sai người, dẫn đến các tổn thất về kinh tế và năng suất làm việc sau này.
02. Khách quan hơn so với các phương pháp đánh giá khác
Các bước sàng lọc hồ sơ và phỏng vấn sẽ luôn chứa đựng những rủi ro rằng đôi khi nhận định của nhà tuyển dụng và các nhà quản lý về ứng viên bị ảnh hưởng bởi các yếu tố mang tính chủ quan.
Đôi khi ứng viên có kỹ năng phỏng vấn tốt khiến nhà tuyển dụng ấn tượng dù trên thực tế có những khía cạnh “ẩn” có thể chưa phù hợp với những gì mà doanh nghiệp tìm kiếm. Ngược lại, có những ứng viên có mức độ phù hợp cao hơn nhưng chưa thể hiện ra hoặc khó thấy được. Do đó, bài test trong tuyển dụng sẽ giúp để nâng cao tính khách quan và công bằng đối với tất cả các ứng viên.
03. Nâng cao tính hiệu quả trong tuyển dụng
Sử dụng bài kiểm tra trong tuyển dụng sẽ giúp sàng lọc được nhóm ứng viên chất lượng hơn cho các vòng phỏng vấn tiếp theo. Ngoài ra việc nắm bắt và hiểu về nhân viên tương lai ngay từ những bước đầu sẽ hỗ trợ cấp quản lý trong việc xây dựng và quản lý đội nhóm, từ đó cải thiện tỉ lệ nghỉ việc sớm cũng như nuôi dưỡng nhân tài gắn bó lâu dài với sự phát triển của tổ chức.
Nhược điểm:
01. Không có bài kiểm tra nào hoàn hảo và toàn diện
Mỗi bài kiểm tra được xây dựng và phát triển nhằm đạt được một mục đích cụ thể nào đó. Ví dụ, bài kiểm tra tính cách để đánh giá hành vi và những yếu tố ẩn, sẽ nên được sử dụng để xem xét mức độ phù hợp với đội nhóm, thay vì xem xét ứng viên này có khả năng chuyên môn hay không. Hay bài kiểm tra khả năng tư duy nhận thức sẽ giúp đánh giá khả năng xử lý thông tin và nhanh nhạy, sẽ nên được sử dụng cho ứng viên ở các vị trí phù hợp, chứ không thể áp dụng bắt buộc đối với tất cả vị trí và cấp bậc. Vậy nên, doanh nghiệp nên đi từ việc xác định rõ nhu cầu của mình trước khi tìm kiếm công cụ đánh giá phù hợp để đưa vào quy trình tuyển dụng. Có vậy, việc đầu tư vào các công cụ này mới đem lại hiệu quả sử dụng cao.
02. Ẩn chứa rủi ro từ việc ứng viên cố tình trả lời khác đi hoặc gian lận
Hành vi con người phức tạp và khó để đo lường chính xác tuyệt đối. Đôi khi ứng viên có khả năng cố tình trả lời sao cho thể hiện hình ảnh của bản thân tốt nhất và một cách chuyên nghiệp nhất. Hoặc đôi khi, ứng viên cảm thấy khó để lựa chọn câu trả lời cho những câu hỏi tình huống. Tuy nhiên, hiện có những bài test có kiểm tra tình trạng củ người dự thi, làm điểm tham khảo để giảm rủi ro cho doanh nghiệp khi sử dụng. Trong trường hợp ứng viên làm các bài kiểm tra trực tuyến tại nhà mà không cần đến tận nơi, cũng có những rủi ro của việc nhờ người khác làm hộ hoặc hỗ trợ, dẫn đến kết quả phản ánh chưa chính xác về năng lực hoặc tính cách ứng viên.
03. Có sự ảnh hưởng đến trải nghiệm của ứng viên
Nếu doanh nghiệp không đưa rõ các bước hướng dẫn làm bài, cũng như không nói rõ về mục đích của bài kiểm tra, ứng viên sẽ thiếu sự chuẩn bị về mặt tinh thần lẫn chuẩn bị không gian phù hợp tốt nhất để làm bài. Mặc dù đây chỉ là một phần trong quy trình tuyển dụng gồm nhiều bước, và mang các lợi ích cho chính ứng viên (trong đó có việc nâng cao sự công bằng và tính khách quan cho tất cả thí sinh), đôi khi ứng viên, đặc biệt là những ứng viên cấp quản lý, sẽ có tâm lý e ngại và cảm giác đang bị đánh giá chỉ thông qua một bài kiểm tra.
Hy vọng những thông tin về các Ưu và Nhược điểm của việc sử dụng công cụ đánh giá trong tuyển dụng đã giúp các nhà tuyển dụng có những thông tin cần thiết trong quá trình chọn lựa, sử dụng và ra quyết định của mình.