Trả Lời Thế Nào Khi Nhà Tuyển Dụng Hỏi Về Lương Ở Công Ty Cũ? Có Nên Chia Sẻ Payslip Không?2023.08.03

Khi đi phỏng vấn tìm việc, bạn đã từng gặp trường hợp được nhà tuyển dụng hỏi về mức lương ở công ty cũ chưa? Mục đích của nhà tuyển dụng khi hỏi câu hỏi này là gì và bạn nên trả lời như thế nào? Tham khảo ngay qua bài viết dưới đây.

Tại sao nhà tuyển dụng hỏi về lương ở công ty cũ?

Sẽ có không ít bạn cảm thấy khó trả lời khi được hỏi về lương cũ ở công ty cũ. Trên thực tế, nhà tuyển dụng hỏi ứng viên những câu như “Lương ở công ty cũ của bạn là bao nhiêu?” hoặc “Bạn có thể chia sẻ về mức lương trước đây bạn nhận được không?” là để:

Đánh giá năng lực, giá trị thị trường

Mức lương của bạn ở công ty cũ là một yếu tố để người tuyển dụng đưa ra đánh giá về năng lực và giá trị của bạn trong ngành nói riêng và thị trường lao động nói chung. Nếu mức lương của bạn cao hơn mức trung bình, điều này có thể làm họ hiểu là bạn có năng lực hơn so với mặt bằng chung hoặc có nhiều kỹ năng giá trị hơn.

Xác định mức lương hợp lý

Cũng qua chia sẻ về mức lương cũ, bên tuyển dụng có thể cân nhắc mức lương họ đưa ra liệu có hợp lý với vị trí công việc họ đang tuyển. Từ đó họ sẽ có khả năng đưa ra một số điều chỉnh trong mô tả công việc hoặc mức lương để thu hút ứng viên.

Xem ứng viên liệu có phù hợp với công ty

Mỗi vị trí được đăng tuyển dụng thường sẽ đính kèm với khoảng lương nhất định. Khi nhà tuyển dụng muốn bạn chia sẻ về mức lương, họ đang muốn đảm bảo sự phù hợp của bạn với vị trí công việc. Nếu mức lương trước đây của bạn cao hơn mức hiện tại, có thể họ sẽ không mời bạn đi tiếp với các vòng phỏng vấn sau vì thường ít ai lại muốn có lương thấp hơn khi đã có kinh nghiệm và thâm niên làm việc. Một trường hợp khác là nếu họ đánh giá cao khả năng của bạn, có thể họ sẽ đàm phán với bạn để có đi đến quyết định phù hợp với ngân sách công ty.

Trả lời thế nào khi nhà tuyển dụng hỏi về mức lương cũ?

Trả lời trung thực

Dù vấn đề về mức lương khá nhạy cảm, bạn vẫn nên tránh nói dối khi nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi này. Khi nhà tuyển dụng biết bạn “nổ” mức lương cũ cao hơn sự thật, bạn sẽ để lại ấn tượng là một người không trung thực. Mặt khác, bạn cũng không cần thiết phải nói quá chi tiết. Bạn có thể đưa ra khoảng lương của bạn và sự thay đổi (nếu có) có liên quan đến khối lượng công việc và quá trình làm việc.

Tập trung thể hiện bản thân

Nếu họ không hỏi, thì bạn cũng đừng nhắc đến lương cũ ở công ty cũ. Điều bạn nên chú tâm là thể hiện được năng lực, kỹ năng đã có được và các giá trị bạn có thể đem lại cho công ty. Việc này có thể thể hiện qua cách diễn đạt của bạn và những thông tin bạn có thể sắp xếp một cách logic rồi đưa tới nhà tuyển dụng. Hãy tự tin deal lương và đừng ngập ngừng khi được hỏi câu hỏi này nhé.

Có nên cung cấp payslip cho nhà tuyển dụng?

Payslip có nghĩa là bảng lương. Có một số trường hợp các bạn đã được nhà tuyển dụng yêu cầu chia sẻ payslip ở công ty cũ. Trên thực tế đây là một chủ đề luôn được bàn tán rộng rãi. Theo chia sẻ của một số bạn,
“Thường chỉ các ngân hàng mới đưa ra yêu cầu như trên. Với các công ty khác thì việc yêu cầu payslip thường chỉ áp dụng với các vị trí quan trọng hoặc lương cao. Nhưng trong một số trường hợp, nhiều công ty lại không bắt chia sẻ payslip cho dù đang tuyển vị trí và mức lương cao, vì ứng viên đã có CV quá hoành tráng và có dấu ấn rõ ràng trong sự nghiệp rồi.”
Vậy nhìn chung, công ty mới có biết mức lương tại công ty cũ không? Thông thường mọi công ty và doanh nghiệp đều có cam kết bảo mật thông tin dành cho nhân viên. Việc giữ bảo mật cho mức lương bạn đã nhận được ở công ty cũ là điều rất quan trọng. Do đó, bạn có thể chọn không chia sẻ mức lương cũ qua payslip. Tuỳ vào tính chất từng ngành, ví dụ như ngân hàng đã nói ở trên, bạn hãy cân nhắc kỹ về mức độ yêu thích và cơ hội của bạn với công ty bạn đang ứng tuyển. Nếu thật sự bạn thích công việc mới và chọn không gửi bảng lương cho công ty, bạn có thể làm cách khác như gửi tin tuyển dụng có đề ra khoảng lương, gợi ý nhà tuyển dụng liên lạc với người tham chiếu để chứng thực, hoặc đơn giản là tự đưa ra mức lương và chứng minh bạn xứng đáng với số tiền đó.