Có một câu nói nổi tiếng như thế này "Bạn không bao giờ có cơ hội thứ hai để tạo ấn tượng ban đầu", điều đó cho thấy tầm quan trọng của ấn tượng đầu tiên bạn tạo ra cho người khác, đặc biệt trong môi trường làm việc công sở. Bắt đầu một công việc mới có không ít khó khăn, bất kể bạn đã có kinh nghiệm ở vị trí đó hay chưa. Vậy làm sao để bạn tạo thiện cảm trong mắt đồng nghiệp ngay ngày đầu tiên đi làm?
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng chỉ cần vài giây đầu tiên để một người hình thành cái nhìn về bạn. Trong một vài giây đó, người ta đánh giá bạn dựa trên lời nói, hành động, ngôn ngữ cơ thể và cách cư xử. Một khi bạn đã tạo ấn tượng đầu tiên cho người khác, sau đó rất khó để thay đổi. Do đó, ngay trong ngày đi làm đầu tiên, bạn nên học cách để tạo thiện cảm trong mắt đồng nghiệp.
I. Vì sao cần tạo thiện cảm trong mắt đồng nghiệp ngày đầu tiên đi làm?
Đừng bao giờ đánh giá thấp hoặc là chủ quan trong việc tạo thiện cảm trong ngày đầu tiên đi làm. Trước khi cấp trên hoặc đồng nghiệp có thể nhận ra năng lực của bạn, bạn cần phải tạo cho họ cảm giác muốn nhìn nhận điều đó và hơn hết là muốn tạo cơ hội để bạn phát huy năng lực của mình.
Khi bạn tạo được thiện cảm tốt và mối quan hệ hòa đồng với những người xung quanh, bạn cũng sẽ cảm thấy thoải mái, dễ thở hơn trong công việc và có thể tự tin hoàn thành những công việc mà mình được giao. Thậm chí, những người đồng nghiệp kia sẽ còn giúp đỡ bạn làm quen với công việc mới một cách nhiệt tình, chu đáo.
II. Cách tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp khi đi làm ngày đầu
1. Tự tin
Đây là ngày đầu tiên bạn đi làm ở công ty mới và bạn cần cảm thấy tự hào khi được làm việc ở đây. Ngôn ngữ cơ thể và các cử chỉ, động tác là rất quan trọng khi thể hiện sự tự tin của bạn. Luôn giữ sự tự tin, thoải mái sẽ giúp bạn dễ dàng gặp gỡ và làm quen với các đông nghiệp cũng như khiến họ dễ chịu hơn khi làm quen với bạn.
Người cũ luôn có sự cảnh giác và đề phòng đối với người mới vì họ chưa hiểu gì về bạn cả, đó là điều hiển nhiên, đừng căng thẳng hay tạo áp lực cho bản thân, hãy cho người khác thấy rằng bạn cũng đủ năng lực để làm việc ở công ty như bất kỳ ai khác. Yếu tố tự tin giúp bạn khẳng định được bản lĩnh của bản thân, dù bạn đang làm ở công việc, vị trí nào, thư ký,
trợ lý, giám đốc hay chỉ là một nhân viên bình thường thì yếu tố tự tin vẫn đóng vai trò quyết định.
2. Vệ sinh sạch sẽ và chú ý mùi cơ thể
Nghe có vẻ hiển nhiên nhưng đây lại là điều vô cùng quan trọng. Chú ý hơi thở và mùi cơ thể trước khi đi làm, đừng sức nước hoa quá nồng, cũng đừng để mình có mùi lạ. Bạn sẽ không có dũng khí mà tự tin khi làm đồng nghiệp, giám đốc hay
quản lý khó chịu với mái tóc rối bù, hơi thở không được thơm mát cho lắm hay một số mùi lạ khác. Chăm chút cho ngoại hình của bạn chính là cách thể hiện sự tôn trọng với người xung quanh.
3. Chú ý đến ăn mặc
Đồng nghiệp sẽ ấn tượng đầu tiên về trang phục của bạn. Để không bị bối rối vào ngày làm việc đầu tiên do cách ăn mặc không phù hợp, bạn nên dành thời gian tìm hiểu trước hoặc hỏi người mà bạn biết khi đi phỏng vấn về quy định trang phục ở công ty. Một số nơi sẽ yêu cầu thắt cà vạt, mặc sơ mi trắng với nhân viên nam hoặc chân váy zip với nhân viên nữ, trong khi một số nơi khác thoải mái hơn, bạn tùy ý mặc váy suông yêu thích hay quần bò.
4. Luôn mỉm cười
Luôn giữ nụ cười trên khuôn mặt sẽ khiến đồng nghiệp cảm thấy bạn thân thiện và dễ làm quen hơn. Một nụ cười chân thành sẽ tạo được thiện cảm với người khác một cách nhanh và hiệu quả nhất.
5. Chủ động chào hỏi và hỏi tên đồng nghiệp
Đừng để đồng nghiệp hỏi đến rồi mới trả lời. Thay vào đó, chủ động chào hỏi, giới thiệu bản thân và hỏi tên đồng nghiệp. Họ sẽ đánh giá cao sự quan tâm và chu đáo của bạn.
6. Lắng nghe
Khi ai đó nói chuyện với bạn, hãy tập trung nghe họ nói và thể hiện rằng bạn đang chú ý lắng nghe. Cố gắng duy trì giao tiếp bằng mắt khi trò chuyện và tránh phân tâm. Đây là cơ sở quan trọng để bạn thiết lập và duy trì bất kỳ mối quan hệ nào.
7. Tôn trọng người khác
Là một người biết lắng nghe, một phẩm chất không thể thiếu là không ngắt lời người khác khi họ nói. Nếu bạn muốn hỏi điều gì, hãy chờ cho đến khi nói hết câu hoặc hết ý. Chú ý đừng nói hay làm điều gì có thể xúc phạm đến người khác. Tuy nhiên, nếu có người nói gì đó xúc phạm đến bạn thì nên giữ bình tĩnh và tập trung vào điểm tốt. Luôn nhớ rằng những lời họ nói phản ánh chính con người họ, chứ không phải bạn.
8. Chú ý dáng điệu và ngôn ngữ cơ thể
Đừng xem nhẹ ngôn ngữ không lời này vì nó gây ấn tượng với người khác còn nhanh hơn cả lời nói. Tránh khoanh tay hay đảo mắt khi ai đó đang nói chuyện. Họ sẽ đánh giá thái độ của bạn, thay vào đó, gật đầu hoặc mỉm cười tự nhiên. Giao tiếp bằng mắt và tỏ ra thoái mái để xây dựng niềm tin ở đồng nghiệp.
9. Sử dụng Small Talk
Small talk là những cuộc trò chuyện ngắn giữa các cá nhân thường mang tính riêng tư chứ không phải vì công việc. Đừng chỉ nói về thời tiết như nay trời đẹp hay xấu. Trò chuyện với đồng nghiệp về sở thích, tin tức đang được chú ý hay gia đình bạn để tìm ra điểm chung với họ để có nhiều chủ đề nói chuyện hơn. Tránh các chủ đề gây tranh cãi như chính trị hay tôn giáo.
III. Những lỗi cần tránh trong ngày đầu tiên đi làm
Bạn đã cố gắng hết mình để tạo ấn tượng tốt nhất trong mắt đồng nghiệp. Thế nhưng, đôi khi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến cho bạn bị mất hình tượng. Trong ngày đầu tiên đi làm, hãy cố gắng tránh mắc phải những sai lầm như:
- Đến muộn.
- Chần chừ, không hoàn thành công việc.
- Liên tục nhìn đồng hồ.
- Không đọc nội quy công ty.
- Để hình ảnh thiếu chuyên nghiệp trên mạng xã hội.
- Tỏ thái độ tiêu cực.
- Không thực sự nhiệt huyết với công việc được giao.
- Đặt ra những kỳ vọng vô căn cứ.
- Đòi hỏi được công nhận ngay lập tức.
- Tỏ ra quá cạnh tranh hoặc tự cho mình đứng ngoài những công việc chung.
- Dùng lời lẽ thiếu chuyên nghiệp khi trò chuyện với mọi người xung quanh.
Chú ý các chi tiết ở trên sẽ giúp bạn tạo thiện cảm với đồng nghiệp ngay từ lần gặp đầu tiên nhưng đừng quên điều quan trọng nhất, hãy luôn là chính mình. Chẳng đáng vì cảm nhận của ai đó mà bạn phải gượng ép bản thân và dối người dối mình. Luôn tự tin, mỉm cười và thể hiện cá tính, nếu bạn đối xử tốt với đồng nghiệp thì bạn sẽ nhận lại điều tốt đẹp.
Những cách tạo thiện cảm ở trên không chỉ phù hợp với ngày đầu tiên đi làm mà nó còn rất phù hợp với các bạn ứng viên đang chuẩn bị cho buổi phỏng vấn quan trọng. Bên cạnh trình độ, kỹ năng chuyên môn, các yếu tố như ngoại hình, cử chỉ, phong thái, ngôn ngữ hình thể nếu như bạn thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn cũng mang tới nhiều yếu tố lợi ích cho bạn. Các bạn ứng viên đang trong quá trình tìm việc, để gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng hãy chuẩn bị cho mình một lá đơn xin việc thật chuyên nghiệp và ấn tượng nhé bởi mỗi vị trí tuyển dụng đều có rất nhiều cv xin việc nộp vào, muốn đánh bại các cv đó,
cv xin việc của bạn phải thật nổi bật.