Bạn có biết những người hài hước là người thông minh và có những ưu thế rất đặc biệt trong môi trường công sở? Khác với sự đùa cợt thô thiển và không đúng thời điểm, sự hài hước tinh tế sẽ đem lại cho bạn nhiều điểm mạnh trong sự nghiệp.
5 lý do người hài hước là nhân tố giá trị tại nơi công sở
Có thể một vài người sẽ thấy việc khiếu hài hước được trọng dụng tại môi trường đi làm thật là một điều kỳ lạ. Tuy nhiên, sự hài hước có ý nghĩa sâu xa hơn cả việc đem lại tiếng cười cho mọi người. Người hài hước nơi công sở hay môi trường nào đi nữa cũng thường có trí thông minh vượt trội hơn, sự tự tin và hình tượng tốt hơn trong mắt nhiều người. Chi tiết hơn thì:
Người hài hước là người thông minh
Một số nghiên cứu đã chỉ mối liên hệ giữa khiếu hài hước và trí thông minh. Kết quả chứng minh rằng những người vui tính và hài hước thường sẽ có IQ cao. Ngoài ra, họ sở hữu trí thông minh ngôn ngữ và phi ngôn ngữ cao hơn, và khả năng bị rối loạn tâm trạng và tính cách hung hăng cũng thấp hơn.
Đến Albert Einstein còn cho rằng một trong những yếu tố giúp ông có được trí thông minh siêu việt như chính là “khiếu hài hước như một đứa trẻ” của ông.
Khiếu hài hước đồng nghĩa với nhận thức về bản thân
Một người vui tính thường tìm thấy sự tích cực trong những mảng tối và lỗi lầm của cuộc sống. Những người có thể nhanh chóng hiểu được tình huống và phản ánh suy nghĩ, niềm tin và hành động của họ là các nhân tố vô giá trong mọi tổ chức.
Theo chia sẻ của một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, những người không ngại lấy chính mình ra làm “tốt thí” để kéo lại năng lượng tích cực cho mọi người và bản thân thường có các kỹ năng quản lý cảm xúc tốt và không nghi ngờ giá trị mà họ nắm giữ.
Đây chính là một sự kết hợp hoàn hảo của trí thông minh cảm xúc và nhận thức về giá trị bản thân mà không phải ai cũng tu luyện được.
Người hài hước thường biết cảm thông
Đằng sau một người vui tính một cách tinh tế là khả năng cảm thông và thấu hiểu người khác. Ví dụ như cách họ đem tới câu đùa hài hước liên quan tới những hoàn cảnh và câu chuyện mà ai cũng liên hệ được.
Với các nhân viên, sự hài hước có thể bắt nguồn từ những lần họ đi làm muộn hoặc đơn giản là chạy deadline tới tấp. Với các sếp, các mẩu chuyện hài hước còn có thể đến từ những lần họ chật vật hoàn thiện dự án lớn để chứng minh khả năng của bản thân trong mắt sếp lớn.
Những người có thể đồng cảm với người khác thường đem chính kinh nghiệm của mình ra làm thước đo và để hiểu rõ hơn trải nghiệm của người khác. Sự đồng cảm chắc chắn sẽ làm cho mối liên kết giữa mọi người trong môi trường đi làm bền chặt hơn.
Giải tỏa áp lực nhanh chóng
Nghiên cứu cho thấy rằng các nhà lãnh đạo có khiếu hài hước có khả năng truyền động lực và được ngưỡng mộ hơn 27% so với những người không hay đùa giỡn. Nhân viên của họ có khả năng gắn kết hơn 15%, còn đội nhóm mà họ quản lý thì sở hữu khả năng giải quyết vấn đề sáng tạo cao hơn gấp đôi các team khác.
Dù là một công ty khởi nghiệp hay một công ty lớn đã hoạt động lâu năm, sẽ luôn có những lúc các tình huống căng thẳng phát sinh và làm năng lượng tích cực đi xuống đáng kể.
Không chỉ nhà lãnh đạo mà các nhân viên cũng cần “vững tay chèo” để không gục ngã trước áp lực. Do đó, những cá nhân có thể đối mặt với các tình huống và phản ứng một cách hài hước nhẹ nhàng sẽ giúp xoa dịu tình hình ngay lập tức.
Nâng cao sự tín nhiệm
Nghiên cứu gần đây của Trường Wharton cho thấy rằng một người có sự hài hước trong giao tiếp thường được đánh giá cao và có cơ hội cải thiện vị thế nghề nghiệp trong thời gian ngắn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc áp dụng sự hài hước một cách khéo léo tại nơi làm việc sẽ khiến người khác cảm nhận được rõ ràng về năng lực và sự tự tin của người kể chuyện, từ đó nâng cao địa vị và uy tín của họ trong mắt các đồng nghiệp và cấp trên.
Cách để trở nên hài hước, vui tính hơn
Làm thế nào để có cách nói chuyện đi vào lòng người và trở thành một nhân tố hài hước ở nơi công sở?
Chúng ta thường lo lắng rằng vì bản thân không có tài mua vui tự nhiên như nhiều người, nên tốt nhất là đừng cố tỏ ra hài hước làm gì cả. Tuy nhiên, bạn hãy hiểu rằng ai cũng sẽ thích có được những khoảnh khắc được nhẹ lòng hơn và quên đi âu lo dù chỉ một chút. Nên chỉ cần câu đùa của bạn không mang tính xúc phạm hay động chạm tới cá nhân nào, thì đó vẫn là một sự hài hước được trân trọng.
Hài hước với đúng người
Mỗi người sẽ có phong cách hài hước riêng. Và thường chúng ta có 4 kiểu hài hước cơ bản nhất:
- Táo bạo: bất cần, không ngại “chọc ngoáy” người khác để tạo tiếng cười
- Ngọt ngào: nhẹ nhàng, sử dụng hài hước để xoa dịu tâm trạng
- “Lính bắn tỉa”: sắc sảo, châm biếm, đa sắc thái
- Thỏi nam châm: nhiều biểu cảm, lôi cuốn, dễ gây cười
Bạn có thể làm bài test (được Harvard Business Review tin dùng) để tìm ra phong cách hài hước của mình tại đây. Bằng cách hiểu được khiếu hài hước của mình và những người xung quanh, bạn có thể dễ đưa ra những câu chuyện cười hợp lý với từng đối tượng và có được cách nói chuyện đi vào lòng người thay vì “đi vào lòng đất”.
Không phải ai cũng sẽ hợp với khiếu hài hước của bạn, nên dù là trong môi trường công sở hay học tập, bạn nên biết ai là người sẽ có cùng tần sóng với mình để khiếu hài hước không trở thành yếu tố gây xúc phạm.
Đúng thời điểm
Sự hài hước không phải lúc nào cũng phù hợp trong mọi thời điểm. Có những thời điểm và địa điểm mà sự hài hước có thể gây mất tập trung hoặc gây cảm giác thiếu tôn trọng.
Ví dụ: bạn không nên pha trò trong một cuộc họp nghiêm túc, một bài thuyết trình trang trọng hoặc một cuộc đàm phán có nhiều yếu tố nhạy cảm. Bạn cũng không nên pha trò khi bạn và đồng nghiệp đang giải quyết khủng hoảng hoặc có xung đột.
Trong những tình huống tương tự, bạn nên tập trung vào nhiệm vụ hiện tại và giao tiếp rõ ràng, chuyên nghiệp và tôn trọng. Những câu đùa vui chỉ nên được đưa ra khi tình hình đã được xoa dịu và mọi người thấy ổn khi đề cập về nó.
Không lấy khuyết điểm của người khác làm trò vui
Một trong những nguyên tắc mà người hài hước nào cũng sẽ hiểu là không bao giờ lấy khuyết điểm hoặc thất bại của người khác ra làm trò đùa.
Dù mức độ thân thiết giữa bạn và họ có cao đến đâu, bạn vẫn sẽ làm tổn thương họ nếu không nghĩ đến cảm giác của họ và liên tục đùa về những thứ họ cảm thấy tự ti hoặc gây ra thương chấn cho tinh thần của họ.
Linh hoạt hơn
Để có được sự hài hước trong giao tiếp, bạn cũng cần biết điều chỉnh hành động và câu nói của mình tùy theo phản hồi và phản ứng mà bạn nhận được từ người khác.
Ví dụ nếu trò đùa của bạn không nhận được nhiều phản ứng như mong đợi, bạn đừng nói đệm thêm hoặc cố gắng giải thích. Bạn có thể đơn giản là chuyển hướng sang chủ đề khác.
Nếu trò đùa của bạn làm ai đó khó chịu, bạn đừng tranh cãi hay biện minh mà hãy xin lỗi và rút kinh nghiệm.
Kể cả khi trò đùa của bạn khiến ai đó bật cười, thì cũng đừng lạm dụng hoặc lặp lại nó quá nhiều vào những lần tới.
Lời kết
Người hài hước có nhiều chiều sâu hơn là chỉ mang đến tiếng cười cho người khác. Họ thực chất là những người thông minh, có khả năng đồng cảm cao và có nhận thức bản thân khá tốt. Có được những người sếp và đồng nghiệp hài hước cũng sẽ đem lại hiệu quả công việc cao, môi trường làm việc lành mạnh.
Do đó, nếu bạn được gọi là một người vui tính và hài hước ở nơi công sở, hãy tận dụng điểm mạnh này để phát triển bản thân và sự nghiệp tốt hơn nhé!