Nhiều kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng phù hợp hoặc thậm chí là vượt xa yêu cầu của nhà tuyển dụng nhưng vẫn trượt phỏng vấn, có lý do nào giải thích cho vấn đề này? Một trong những rào cản khiến ứng viên không thể vượt qua vòng phỏng vấn suôn sẻ chắc hẳn phải kể đến khả năng giao tiếp khéo léo và xử lý tình huống của mỗi người.
Chị Thanh Trà (25 tuổi, Quận 3) hoạt động trong lĩnh vực Marketing đã chia sẻ về câu chuyện phỏng vấn thất bại của mình:
“Sau khi tốt nghiệp đại học, mình đã có cơ hội làm việc tại một số công ty lớn và luôn hoàn thành xuất sắc các dự án được giao. Thậm chí mình cũng được các đồng nghiệp và cấp trên trực tiếp đánh giá cao khả năng của mình.
Mới đây thì mình cũng quyết định đi tìm kiếm một cơ hội mới tại một công ty quảng cáo nổi tiếng trong ngành. Mình đã dễ dàng vượt qua vòng loại hồ sơ nhờ vào CV và Portfolio nhiều kinh nghiệm chuyên môn và được mời đến phỏng vấn. Lúc đó mình cũng tự tin những kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân sẽ giúp mình vượt qua cả vòng phỏng vấn.
Trong buổi phỏng vấn, ban đầu với những câu hỏi cơ bản về giới thiệu bản thân và công việc, mình có thể trả lời một cách đơn giản, nhanh chóng. Thế nhưng khi được yêu cầu mô tả lại về một dự án quảng cáo mà mình đã thực hiện. Mặc dù là người nắm rõ từng giai đoạn và chi tiết của dự án, nhưng mình lại khá khó khăn khi truyền đạt câu chuyện một cách rõ ràng và súc tích.
Mình đã sử dụng quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà không giải thích cụ thể, khiến nhà tuyển dụng không nắm rõ được toàn bộ nội dung về dự án. Khi quan sát biểu cảm của nhà tuyển dụng và nhận thấy sự mất hứng thú thì mình trở nên bối rối, dẫn đến việc các câu trả lời sau đó lúc thì quá ngắn gọn và thiếu ví dụ cụ thể, lúc lại dài dòng lan man.
Kết quả buổi phỏng vấn cũng khá rõ ràng, mặc dù được đánh giá là có chuyên môn tốt, nhưng mình vẫn không được nhận vì nhà tuyển dụng đã ưu tiên một ứng viên khác vừa có chuyên môn, vừa có kỹ năng giao tiếp tốt hơn mình”.
Sau trải nghiệm đó, chị Thanh Trà cũng ngậm ngùi nhận ra rằng để thành công trong sự nghiệp, không phải chỉ cần giỏi chuyên môn là được mà còn phụ thuộc rất nhiều vào cả kỹ năng giao tiếp và truyền đạt ý tưởng tốt.
Không chỉ dừng ở câu chuyện của chị Thanh Trà, mà rất nhiều người đi làm cũng như nhà tuyển dụng trên thị trường đã chia sẻ về tầm quan trọng của khả năng giao tiếp, lắng nghe và xử lý thông tin đối với ứng viên. Thực tế thì kỹ năng này không chỉ giúp bạn tăng cơ hội việc làm, mà còn khiến cho nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống thường nhật trở nên suôn sẻ và tốt đẹp hơn.
Kỹ năng giao tiếp không phải là một kỹ năng gì đó quá khó khăn, thậm chí bạn còn có thể tự rèn luyện và trau dồi thông qua cuộc sống hằng ngày với các mối quan hệ cá nhân. Một số bí quyết có thể giúp bạn cải thiện kỹ năng này bao gồm:
– Tập trung hoàn toàn vào lời người người nói để không bị phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài hay bởi những suy nghĩ của riêng bạn.
– Sử dụng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện rằng bạn đang lắng nghe, chẳng hạn như gật đầu, duy trì tiếp xúc mắt, và ngồi thẳng hướng về người nói.
– Đảm bảo rằng bạn sẽ để người nói hoàn thành câu chuyện của họ mà không ngắt ngang hoặc xen vào khi họ đang nói, vừa thể hiện sự tôn trọng lại vừa giúp bạn nắm rõ nội dung hơn.
– Sử dụng thêm các câu hỏi để xác nhận hoặc để nhắc lại ý chính của người nói nhằm đảm bảo rằng bạn đã hiểu đúng. Ví dụ như: “Ý của anh/ chị là công việc này cần một người giỏi xử lý tình huống đúng không ạ?”.
– Khi phản hồi, điều đầu tiên bạn cần lưu ý đó là đưa ra các ý kiến mang tính xây dựng. Thay vì chỉ tập trung vào việc chê trách, phê bình một cách tiêu cực, bạn hãy tập trung vào việc tìm giải pháp hoặc đề xuất cải thiện.
– Hãy cố gắng đưa ra những trả lời câu hỏi một cách rõ ràng và ngắn gọn. Tránh việc kể them những chi tiết dư thừa hoặc lặp đi lặp lại một nội dung. Khi trả lời các câu hỏi về kinh nghiệm làm việc hoặc kỹ năng, bạn có thể sử dụng mô hình STAR (Situation – Task – Action – Result) để đảm bảo không bị lan man
– Sau buổi phỏng vấn, bạn có thể gửi email cảm ơn đến nhà tuyển dụng nhằm thể hiện sự tôn trọng và một lần nữa nhấn mạnh sự quan tâm của bạn đối với vị trí công việc.
– Nếu bạn nhận được những đóng góp và đánh giá từ nhà tuyển dụng, đừng nên quá lo buồn hoặc thất vọng về bản thân. Thay vào đó hãy lắng nghe và ghi nhận những điểm cần cải thiện. Điều này sẽ giúp bạn rút kinh nghiệm cho những buổi phỏng vấn sau. Ngoài ra, dù cho tình huống có căng thẳng thì bạn cũng cần duy trì bình tĩnh và thể hiện sự tôn trọng đối với nhà tuyển dụng.
Để cải thiện bất kỳ một kỹ năng gì, bạn đều cần dành thời gian thực hành chúng liên tục. Hãy đặt mục tiêu thực hành lắng nghe và phản hồi mỗi ngày, bạn có thể bắt đầu từ những cuộc trò chuyện đời thường. Qua đó, bạn có thể hỏi ý kiến từ những người có chuyên môn, có kinh nghiệm về cách bạn giao tiếp để đưa ra lời khuyên phù hợp.
Một số hoạt động khác cũng giúp bạn cải thiện vốn từ, khả năng lắng nghe và xử lý thông tin của mình có thể kể đến như là đọc sách báo, xem tin tức, xem podcast hoặc tham gia các buổi workshop chuyên đề, v.v. Bằng cách trau dồi khả năng giao tiếp, bạn sẽ không tạo ra nhiều cơ hội mới trong công việc, mà còn cải thiện các mối quan hệ hiện tại trong cuộc sống cá nhân. Hy vọng bạn sẽ sớm thành công và gặt hái được nhiều cơ hội nghề nghiệp chất lượng!