Các thành viên trong gia đình có thể lựa chọn loại hình doanh nghiệp để cùng thành lập công ty. Việc thành lập và hoạt động này tạo thành các mô hình công ty gia đình rất đặc trưng, có nhiều điểm khác so với các mô hình công ty thông thường.
I. Mô hình doanh nghiệp gia đình là gì?
Pháp luật doanh nghiệp không định nghĩa về mô hình doanh nghiệp gia đình. Bản chất của các công ty gia đình không phải là một loại hình doanh nghiệp.
Hiểu ngắn gọn, công ty gia đình là những công ty được thành lập và hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp, thành viên công ty là những người cùng thuộc một gia đình và nắm giữ hầu hết tổng số vốn điều lệ hoặc cổ phần của công ty.
Một số đặc điểm chính của công ty gia đình (đặc điểm phổ biến, không phải pháp lý):
- Thành viên công ty: Chủ sở hữu, người nắm các chức danh quản lý công ty là người trong gia đình. Trong một số công ty, hầu hết nhân sự đều là các thành viên trong gia đình (có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng hoặc thân thiết trong gia đình).
- Tỷ lệ vốn góp: Các thành viên trong gia đình thường nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần của công ty.
- Thời gian tồn tại: Thường có thời gian hoạt động và tồn tại lâu hơn so với các công ty khác bởi công ty gia đình có sự kế thừa giữa các thế hệ để duy trì và phát triển công ty.
II. Các loại hình công ty phù hợp với công ty gia đình
Theo Luật Doanh nghiệp 2014, các loại hình công ty phù hợp với mô hình công ty gia đình như sau:
Loại hình
|
Đặc điểm
|
Hộ kinh doanh
|
- Một người trong gia đình hoặc các thành viên trong gia đình (một nhóm người) là chủ sở hữu của hộ kinh doanh;
- Chế độ thuế, phí không quá phức tạp, dễ quản lý;
- Phù hợp với các gia đình có nhu cầu sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ;
Lưu ý: Hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp. |
Công ty hợp danh
|
- Có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu (thành viên hợp danh) cùng kinh doanh;
- Thành viên hợp danh chịu sự kiểm soát lẫn nhau, không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại;
- Phù hợp với các công ty gia đình mà các thành viên trong gia đình muốn hợp tác với nhau. |
Công ty TNHH 2 thành viên
|
- Phải có ít nhất là 02 thành viên và tối đa là 50 thành viên. Các thành viên thường là những người có mối quan hệ thân thiết;
- Chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ của công ty, không phải dùng tài sản của cá nhân để thực hiện nghĩa vụ của công ty;
- Có thể huy động vốn và phát hành trái phiếu (khoản 4 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020);
- Phù hợp với các công ty gia đình có quy mô trung bình và lớn.
Lưu ý: Để duy trình tính chất gia đình của công ty, các thành viên trong gia đình cần phải nắm giữ phần lớn số vốn điều lệ và các vị trí lãnh đạo, quản lý trong công ty. |
III. Ưu và nhược điểm của mô hình công ty gia đình
1. Ưu điểm
- Có lợi thế trong việc quản trị công ty
+ Quyền sở hữu và tỷ lệ vốn góp thường tập trung vào một người hoặc một nhóm người trong gia đình nên sẽ hạn chế việc người ngoài tham gia quản lý và điều hành công ty;
+ Việc tổ chức và quản lý công ty được thực hiện linh động, ngoài áp dụng điều lệ công ty thì có thể được giải quyết bởi các nguyên tắc, truyền thống gia đình;
- Các thành viên trong công ty thường có trách nhiệm lớn đối với công việc.
- Quan hệ hợp tác và sự tin tưởng giữa các thành viên trong công ty cao, chặt chẽ. Đây cũng là cơ sở để tạo niềm tin cho các đối tác trong hoạt động kinh doanh.
2. Nhược điểm
- Khó khăn trong việc huy động vốn cũng như các nguồn lực khác ở bên ngoài như: cơ sở vật chất, nhân sự…vì bản chất của công ty gia đình là mô hình quản trị kinh doanh khép kín trong phạm vi gia đình.
- Sự phát triển và tính duy trì của công ty phải phụ thuộc cao vào yếu tố con người. Thông thường các doanh nghiệp muốn duy trì theo mô hình công ty gia đình thì phải có sự kế thừa của thế hệ sau. Những người quản lý sau yêu cầu phải có năng lực và triển vọng để phát triển công ty.
- Sự mâu thuẫn, chia rẻ giữa các thành viên trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý và hoạt động kinh doanh của công ty. Một số công ty gia đình tan rã, ngừng hoạt động là do mâu thuẫn nội bộ.
Như vậy,
mô hình công ty gia đình cũng tồn tại nhiều nhược điểm. Để duy trì và phát triển công ty, các thành viên của gia đình cần lựa chọn loại hình công ty phù hợp và quan trọng là có kế hoạch duy trì công ty lâu dài.