Hóa Giải Cái Tôi Quá Lớn Để Thành Công Hơn Trong Cuộc Sống
Hóa Giải Cái Tôi Quá Lớn Để Thành Công Hơn Trong Cuộc Sống2024.01.29
Thỉnh thoảng, bạn sẽ nghe đồng nghiệp nhận xét ai đó rằng: “Họ có cái tôi quá lớn!” Vào khoảnh khắc ấy, bạn có tự liên hệ đến cái tôi của bản thân và xem xét liệu xem cái tôi của mình có đang ở mức mất kiểm soát?
Cùng nhớ lại xem bạn đã từng trải qua các tình huống sau chưa nhé:
Trong một cuộc họp, bạn chỉ muốn trình bày ý kiến của mình mà không chú tâm lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp.
Khi bạn nhìn thấy đồng nghiệp đạt được thành công, bạn có cảm giác khó chịu chứ không phải là ngưỡng mộ hay chúc mừng họ.
Khi thảo luận về kế hoạch làm việc, bạn chỉ muốn cả nhóm thực hiện kế hoạch theo ý kiến của mình.
Nếu những tình huống trên lặp lại khá nhiều lần thì chứng tỏ cái tôi của bạn đang có xu hướng gây trở ngại trong công việc. Không chỉ về mặt duy trì quan hệ tốt với đồng nghiệp mà cái tôi còn gián tiếp gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc của bạn.
Cái tôi là gì?
Nói một cách dễ hiểu, cái tôi chính là sự nhận diện của bạn. Cái tôi của bạn có thể bao gồm nhiều thành tố khác nhau: cái tên của bạn, tính cách của bạn, câu chuyện của bạn.
Bên trong cái tôi là một tập hợp những niềm tin, ký ức, trải nghiệm quá khứ và cảm nhận về việc bạn là ai, bạn giỏi giang hay dở tệ ở lĩnh vực nào, bạn đã có những vết hằn quá khứ nào,…
Cái tôi quá lớn có ảnh hưởng tới chúng ta như thế nào?
Nghiên cứu chỉ ra rằng cái tôi sẽ chịu trách nhiệm cho nhiều đặc điểm tiêu cực của con người, ví dụ như: chỉ trích và phán xét người khác; thao túng; trở nên cứng nhắc; thay đổi cảm xúc như chong chóng; cảm giác thượng đẳng; thường xuyên cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất hợp tác; luôn cảm thấy bực bội và phát điên với thế giới xung quanh; không có khả năng hiện diện trong thực tại;… (1).
Tất cả những nét tính cách và hành động tiêu cực như thế đều gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng và có thể khiến cuộc sống của người có cái tôi quá lớn trở nên khốn khổ. Nghiện rượu, thuốc lá và tìm đến chất kích thích là những hệ lụy phổ biến và dễ nhận thấy nhất.
Cái tôi quá lớn sẽ tìm cách đổ lỗi cho người khác hoặc luôn phản ứng tiêu cực với ‘hoàn cảnh’ khi có bất kỳ điều gì bất trắc xảy ra. Nó không ngừng nỗ lực để khiến bạn tin rằng bạn không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào của chính mình.
Các nghiên cứu phổ biến nói rằng cái tôi quá lớn sẽ liên tục kiểm soát và thao túng người khác để đạt được điều mình muốn (1). Hơn thế, người có cái tôi quá lớn còn chẳng bao giờ chịu đồng cảm với những người đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi họ.
6 lý do khiến cái tôi quá lớn chính là kẻ thù tồi tệ nhất của chính bạn
1. Cái tôi quá lớn khiến bạn lãng phí năng lượng để biện hộ bản thân
Chúng ta sẽ có xu hướng nghĩ rằng mình luôn đúng, còn phần còn lại của thế giới đang sai. Chính vì thế, chúng ta mưu cầu tất cả những điều ta nói ra hoặc những hành động của mình phải là đúng bằng mọi giá. Một cái tôi quá lớn khiến chúng ta tức giận và bồn chồn cho đến khi chúng ta chiến thắng thành công một cuộc tranh cãi.
Tuy nhiên, năng lượng tiêu cực này chỉ khiến bản thân bạn thêm mệt mỏi và khó chịu từng ngày mà thôi.
2. Cái tôi quá lớn là rào cản khiến bạn ít suy nghĩ thấu đáo
“Có thật vậy không? Hay mọi người đang âm mưu chống lại mình”.
Những bất an đang ‘thâu tóm’ và bắt giữ những suy nghĩ khách quan trong ta. Mặc kệ những điều đúng đắn, cái tôi quá lớn khiến bạn chỉ chăm chăm biến câu chuyện này trở thành một cuộc chiến để đem về phần “chiến thắng vinh quang” cho riêng mình.
3. Đẩy những mối quan hệ tử tế của bạn ra xa
Sự thật phũ phàng của cuộc sống là không ai muốn làm bạn với một người có cái tôi quá to cả. Sẽ chẳng ai đủ kiên nhẫn để liên tục giải thích và đưa ra những góp ý xây dựng nhưng luôn bị chối bỏ, không được trân trọng cả.
Tưởng tượng mà xem, bạn đang đưa ra lời khuyên giúp họ có cái nhìn tổng quát hơn về sự việc, và sau đó… bởi vì cái tôi quá lớn, họ lại khiến cuộc trò chuyện trở nên căng thẳng, phiến diện. Vậy thì lần sau, bạn có còn muốn tiếp cận họ nữa không? Hãy suy nghĩ thật kỹ để hạ thấp lại cái tôi của mình khi chẳng may bạn mất bình tĩnh nhé!
4. Cái tôi quá lớn không cho phép bạn mở lòng
Cái tôi quá lố khiến bạn trở nên bướng bỉnh. Khi ấy, bạn không muốn lắng nghe bất kỳ ai hoặc bất cứ lời khuyên nào.
Từ đó, nó cũng ngăn cản “sự can đảm” đề nghị giúp đỡ từ những người thân thiết xung quanh, vì lúc này đây – cái tôi của bạn luôn cho rằng có thể xoay sở được tất cả, không cần thiết phải cần người khác can thiệp vào.
5. Tâm trí bạn trở nên nặng nề, căng thẳng hơn rất nhiều
Khi không ngừng nỗ lực để trở nên thượng đẳng, bạn vô tình biến mọi thứ trở thành những tảng đá nặng đè lên giá trị của bản thân. Nó gây ra những đêm mất ngủ không đáng có và vô tình lấy đi sự bình yên trong cuộc sống của mình. Dần dà, bạn trở nên thất vọng và lo lắng vì chính cái tôi của mình.
6. Bạn trở nên thờ ơ và vô tâm
Lòng trắc ẩn không phải là thứ tự nhiên mà đến. Bạn không thể nghĩ đến những mặt tích cực nếu cứ mãi chăm chăm nhìn vào những điều tồi tệ nhất ở con người.
Làm thế nào để hóa giải cái tôi quá lớn?
1. Hãy lắng nghe và học hỏi
Bạn có nhận ra mình có xu hướng giải thích rất nhiều để bảo vệ ý kiến riêng! Từ lần sau, hãy thử diễn đạt ngắn gọn hơn và dành thời gian lắng nghe đồng nghiệp với tinh thần học hỏi. Bạn sẽ thấy những quan điểm của họ cũng đáng xem xét không kém gì ý kiến của mình.
Những tranh luận và mâu thuẫn là điều cần thiết để một nhóm vươn đến sự hoàn thiện và cải tiến. Vì vậy đừng thất vọng khi vấp phải sự phản đối ý kiến từ đồng nghiệp; hãy trao đổi từ tốn và lắng nghe một cách cởi mở. Vượt qua những thử thách này mà không để cái tôi lấn át lý trí, bạn sẽ học hỏi được nhiều và phát triển bản thân tốt hơn.
2. Lựa chọn lý trí thay vì cái tôi
Chọn con tim (cái tôi) hay là nghe lý trí! Dĩ nhiên trong công việc bạn phải chọn lý trí! Cái tôi cho bạn sức mạnh để bảo vệ chính kiến, nhưng lý trí sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt và phù hợp với từng thời điểm.
Trong các buổi thảo luận, hãy dùng cơ sở logic để lập luận và lựa chọn ý kiến. Xem xét cả những yếu tố có liên quan, và cùng mọi người đưa ra kết luận sau cùng.
3. Tách rời nhận thức cá nhân
Người có cái tôi điềm tĩnh sẽ có xu hướng tách rời nhận thức của mình để quan sát thật sâu sắc và khách quan về câu chuyện đang diễn ra. Họ đặt mình ở vị thế người ngoài cuộc để nhìn thấy cả mặt tích cực lẫn tiêu cực của một vấn đề. Thay vì nhìn mọi thứ đen tối, họ sẽ trở nên thực tế nhất có thể.
Điều này đòi hỏi sự cởi mở và chấp nhận những khía cạnh đen tối nhất ở bản thân và ở người khác. Mấu chốt ở đây là để mọi chuyện diễn ra tự nhiên nhất có thể.
Nhận thức tách rời cũng liên quan đến khả năng xem xét lại những suy nghĩ và cảm xúc đã diễn ra một cách khách quan nhất. Có thế, ta sẽ hiểu được câu chuyện ấy thực sự mang ý nghĩa gì và tránh nuôi dưỡng cái tôi của mình ngày càng lớn hơn.
4. Xây dựng quan điểm toàn diện
Những người có cái tôi bình thản sẽ có cách giải thích cân bằng hoặc tích hợp về bản thân và người khác. Họ hiểu rằng những quan điểm khác nhau sẽ mang đến sự đồng nhất với kinh nghiệm của người khác, từ đó phá vỡ rào cản và hiểu sâu hơn về toàn diện.
Để có một quan điểm toàn diện, đặc biệt là trong những thời điểm xung đột diễn ra hoặc khi cái tôi (hay chính là các giá trị cốt lõi của bạn) bị thách thức. Nếu quan điểm của bạn đạt được mức toàn diện, bạn sẽ có tính hợp tác và bao dung hơn với người khác hơn là chỉ để tâm đến bản thân.
5. Thử tiếp nhận những phản hồi xung quanh
Bằng cách tiếp nhận và phản ứng những quan điểm khác nhau, cái tôi bình tĩnh sẽ thu hút sự chú ý bên ngoài cái tôi. Nhờ đó, thâm tâm bạn cũng đồng thời gia tăng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn.
Lắng nghe quan điểm của những người xung quanh thật không mấy dễ dàng, vì đôi khi sẽ có những quan điểm đi ngược hoàn toàn với niềm tin vốn dĩ của bạn. Đây là lúc cả lý trí và cảm xúc của bạn nên được mở lòng để tiếp nhận những quan niệm ấy một cách trung dung.
6. Mở rộng tư duy
Tư duy chính là một trong những yếu tố cốt lõi giúp ngăn chặn sự hình thành của cái tôi quá lớn. Bởi lẽ, khi tư duy của bạn trưởng thành, bạn sẽ có đủ sự bao dung và hướng tiếp cận mở đối với một vấn đề hay một quan điểm của ai đó.
Hơn thế, tư duy phát triển còn nâng cao nhận thức của chính mình đối với giá trị bản thân cũng như giá trị của những người xung quanh. Điều này sẽ giúp bạn biết được khi nào cần bộc lộ cái tôi của mình, khi nào cần gọt giũa để cái tôi của mình phù hợp với hoàn cảnh và môi trường xung quanh.
7. Đừng khiến cái tôi quá lớn của bạn gây mất uy tín
Cái tôi quá lớn có thể khiến bạn mất đi uy tín trong mắt của những người xung quanh trong quá trình thảo luận. Để xây dựng các mối quan hệ bền chặt, bạn phải rèn luyện tính tự tôn này từ trong trứng nước.
Điều này bắt đầu từ việc đánh giá cao những đề xuất hợp lệ và có giá trị từ người khác. Sự đa dạng về ý kiến và quan điểm thực sự dẫn đến những giải pháp sáng tạo hơn.
8. Hãy nhìn vào mặt tích cực của sự buông bỏ
Khi khả năng phòng thủ tăng lên, nó sẽ cản trở việc học tập và phát triển cá nhân. Nghịch lý thay, cái tôi quá lớn thường lộ diện trong những tình huống buộc ta phải học hỏi nhiều nhất. Ví dụ như khi nhận được một phản hồi hoặc góp ý không quá tích cực, ta sẽ cảm thấy khó chịu và bực dọc.
Thay vì nuôi dưỡng cái tôi ngày càng to lớn bằng chính sự khó chịu ấy, hãy xem xét câu chuyện ở chiều ngược lại. Bạn có thể nhận được điều gì từ phản hồi hay góp ý này? Liệu niềm kiêu hãnh của mình có quá quan trọng so với việc phát triển bản thân? Khi nhìn nhận mọi chuyện theo chiều hướng tích cực, bạn sẽ dễ dàng buông bỏ cái tôi quá lớn của mình và sẵn sàng tiếp nhận những điều mới để phát triển bản thân.