Môi trường làm việc là một trong những yếu tố quyết định đến sự nhiệt huyết và trung thành trong công việc. Một môi trường làm việc toxic (độc hại) sẽ khiến tinh thần của họ bị trì trệ, không còn hứng thú đối với việc đi làm. Hãy cùng chúng tôi nhận biết những dấu hiệu của một môi trường làm việc không tốt mà bạn nên tránh xa nhé!
Thế nào là môi trường làm việc toxic?
Môi trường làm việc toxic là một thuật ngữ được dùng để mô tả nơi làm việc có những xung đột cá nhân, cảm tính giữa những người làm việc tại đó.
Tại đây, các hành vi tiêu cực, chống đối hay bắt nạt được xem là một phần của “văn hóa” công ty, là “luật bất thành văn” mà bất kỳ người mới nào cũng đều phải kinh qua.
Các dấu hiệu của môi trường làm việc toxic
Cơ sở vật chất nghèo nàn
Điều đầu tiên có thể dễ dàng quan sát nhất chính là cơ sở vật chất của doanh nghiệp. Nếu công ty là ngôi nhà thứ 2 thì nó cũng phải thật tiện nghi và ấm áp. Nơi làm việc phải đảm bảo sự thoải mái, ánh sáng tốt, thiết bị văn phòng hiện đại thì công việc mới được thực hiện một cách hiệu quả.
Nếu doanh nghiệp quan tâm đến nhân viên của mình, họ sẽ không ngại trang bị thêm những khu vực nghỉ ngơi, giải trí hay những máy móc hỗ trợ cho sự thuận tiện sinh hoạt. Thậm chí là những thức ăn nhẹ, nước uống sẵn có luôn sẵn sàng chờ bạn thưởng thức.
Mức độ gắn bó với công việc của nhân viên thấp
Sự thay đổi liên tục về nhân sự cũng là một dấu hiệu mạnh mẽ của môi trường làm việc toxic mà bạn nên chú ý.
Một môi trường làm việc không tốt sẽ thường xuyên phải đối mặt với vấn đề “người ra, kẻ vào”. Bạn có thể quan sát, thăm dò và hỏi han thêm để biết được lý do vì sao và cân nhắc với công việc hiện tại của bản thân để đưa ra quyết định chính xác.
Nhân viên “toxic” và không ngại va chạm
Môi trường làm việc toxic được xác định qua nhiều yếu tố, và rõ ràng nhất chính là qua cách thức mà nhân viên tương tác với nhau.
Đương nhiên, việc có thể hòa hợp được với tất cả mọi người trong công ty là điều không hề dễ dàng. Nhưng nếu đồng nghiệp của bạn thường xuyên áp đặt những cảm xúc tiêu cực cá nhân vào chốn công sở, họ chắc chắn là không phải là những người đồng nghiệp tốt.
Bên cạnh đó, nếu công ty bạn có dấu hiệu lập nhóm cạnh tranh, nói xấu lẫn nhau và kéo bè phái để cô lập một ai đó. Bạn nên suy nghĩ đến việc đổi công việc để có những trải nghiệm tích cực hơn khi đi làm nhé!
Tương tác phòng ban kém
Mức độ tương tác và kết nối giữa các phòng ban tốt sẽ chứng tỏ rằng văn hóa giao tiếp của công ty vô cùng đáng khen ngợi.
Sự khác biệt giữa con người, hay tính chất công việc luôn là rào cản lớn để gắn kết các phòng ban lại với nhau. Nếu doanh nghiệp làm được điều này thì đây chính là một môi trường làm việc lý tưởng để bạn phát triển.
Những người lãnh đạo cực đoan
Cuộc sống văn phòng của bạn sẽ không thể vui vẻ nếu giữa các cấp lãnh đạo, quản lý và nhân viên không có tiếng nói chung.
Thế nào là một người sếp tồi? Nếu cấp trên của bạn không tôn trọng ý kiến của nhân viên, có xu hướng áp đặt, nói nhưng không làm, muốn làm mà không nói, thì đó không phải một người sếp lý tưởng.
Hệ thống lãnh đạo không cởi mở, cứng nhắc này cũng là dấu hiệu của một môi trường làm việc toxic mà bạn cũng cần lưu ý.
Khả năng lãnh đạo của cấp trên thấp
Khi đi làm, ai cũng đều muốn học hỏi và phát triển bản thân, đặc biệt là những bạn trẻ với kinh nghiệm làm việc còn hạn chế. Những người lãnh đạo, quản lý phải cho chúng ta cảm nhận được giá trị của công việc, ân cần quan tâm, hỗ trợ chuyên môn thì đó mới là những người lãnh đạo có tầm.
Ngoài ra, việc có khả năng kiểm soát kỷ luật văn phòng và làm gương tuân thủ cũng sẽ giúp nhân viên noi gương và thực hiện.
Không có sự cân bằng giữa công việc – cuộc sống
Một môi trường làm việc toxic sẽ không cho phép bạn có thời gian để “work-life balance” (cân bằng giữa công việc và cuộc sống). Và đương nhiên, bạn không thể nào túc trực 24/7 để kiểm tra email, hoàn tất mọi công việc vào lúc nửa đêm,…
Nếu sếp không tôn trọng khoảng thời gian riêng tư sau giờ làm hay thậm chí cuối tuần, cũng áp đặt yêu cầu làm việc vô lý, điều đó cũng chứng tỏ rằng môi trường và văn hóa làm việc của công ty bạn đang có vấn đề đấy.
Bạn (và có thể cả đồng nghiệp xung quanh) cảm thấy bị kiệt sức
Kiệt sức có thể là một dấu hiệu chắc chắn của môi trường làm việc toxic — hoặc ít nhất là một môi trường làm việc không “phù hợp” với bạn. Dưới đây là ba loại kiệt quệ thường gặp khi đi làm:
- Kiệt quệ do quá tải: Quá nhiều công việc chồng chất mà bạn không tài nào xử lý nổi. Khi làm hoài làm mãi mà chẳng xong hết việc, bạn sẽ có xu hướng cảm thấy quá tải và mệt mỏi. Lúc này đây, thời gian nghỉ ngơi của bạn cũng dần biến mất và khái niệm “work-life balance” cũng trở thành một điều xa xỉ.
- Kiệt quệ do thiếu thử thách: Loại kiệt sức này xảy ra khi một nhân viên cảm thấy chán nản, mất đi sự hứng khởi khi chỉ an phận “làm đi, làm lại” một công việc. Dần dà, họ trở nên sẽ cảm thấy bế tắc và kiệt quệ.
- Kiệt quệ do không đáp ứng được yêu cầu công việc: Đây là hệ quả của việc cảm thấy bất lực trong công việc. Họ sẽ luôn cảm thấy mình thiếu năng lực và không thể đáp ứng được những đầu việc được giao.
Nhân viên không có động lực làm việc
Hiển nhiên, chúng ta không nên phán xét ai đó nếu chỉ dựa trên chất lượng làm việc của họ. Thế nhưng khi làm việc trong một môi trường với những đồng nghiệp thiếu động lực, bạn sẽ phải “gồng gánh” rất nhiều.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đồng nghiệp xung quanh mất đi động lực để cố gắng trong công việc: cách giao tiếp không hiệu quả từ cấp trên; không có người truyền lửa;… Song dù đó là gì, nếu mọi người xung quanh không có động lực thì tức nghĩa bạn đang ở trong môi trường làm việc toxic.
Vai trò và chức năng công việc lẫn lộn, không rõ ràng
Nếu một ngày nào đó, bạn nhận ra mình phải cả nhiệm vụ không nằm trong gói công việc của mình thì đó chính là dấu hiệu rõ nét của môi trường làm việc toxic.
Có thể phía công ty cảm thấy bạn làm được việc nên cố tình trục lợi để bạn làm luôn cả phần việc của họ. Hoặc cũng có thể do cách phân luồng công việc và quản lý yếu kém mà gây ra chức năng công việc nhập nhằng, lẫn lộn giữa nhiều vị trí khác nhau.
Môi trường làm việc toxic sẽ càng khiến sự lẫn lộn vai trò, chức năng này được tiếp diễn lâu dài mà không sớm tìm giải pháp khắc phục. Dần dà, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều căng thẳng, thiếu tin tưởng đồng nghiệp, đấu tranh quyền lực,… khiến công việc ngày càng tệ đi.
Drama ngập tràn cùng với những lời đồn, phán xét
Chúng ta chẳng còn lạ gì với chuyện bè phái trong môi trường công sở. Tệ hơn, một số nhóm người còn thường xuyên buông những câu đùa phản cảm mà chỉ mỗi họ hiểu được, đồn thổi thông tin sai lệch gây ảnh hưởng tới uy tín và danh dự của người khác.
Đặc biệt, những đối tượng nhân viên này còn thường tìm cách bắt nạt hoặc loại trừ bất cứ ai bên ngoài vòng tròn quan hệ của họ.
Cảm giác bị tách biệt và cô lập khỏi một nhóm đông người sẽ khiến bạn cảm thấy lạc lõng, xa cách, từ đó cũng rất khó hợp tác nhóm với nhau. Không chỉ thế, niềm tin giữa bạn và họ sẽ bị đứt gãy. Bạn sẽ cảm thấy cô đơn ngay trong chính “căn nhà thứ hai” của mình.
Hầu như không có cơ hội để nhân viên phát triển
Một môi trường không có drama giữa đồng nghiệp với nhau hay giữa sếp với nhân viên; lương cứng, lương thưởng và quyền lợi tốt; quy trình công việc rõ ràng;… Thật viên mãn phải không nào? Ấy vậy mà chúng sẽ chẳng là gì nếu bạn không tìm thấy cơ hội phát triển tại đây.
Nếu sự phát triển của bạn bị khựng hoặc dừng lại hoàn toàn, đó thường là dấu hiệu của môi trường làm việc toxic. Công ty vốn không có kế hoạch phát triển hay lộ trình thăng tiến nào cho bạn, những gì họ cần chỉ là một nhân viên “lấp đầy” vị trí trống và hoàn thành một khối nhiệm vụ nhất định trong chuỗi “mắt xích” công việc mà thôi.
Đây chính là lúc bạn cần rời đi để tiến đến một môi trường để bạn có khả năng phát triển nhiều hơn, được thử sức ở những trách nhiệm công việc mới hơn.
Khi nhận ra bản thân đang ở trong môi trường làm việc toxic, bạn cần làm gì?
Tập trung vào những điều trong tầm kiểm soát
Nếu không nằm trong các cấp lãnh đạo, sẽ rất khó để bạn đứng ra thay đổi một (hay nhiều) điều độc hại trong công ty.
Thay vào đó, bạn chỉ cần tập trung vào những điều mà bản thân có thể kiểm soát. Giúp bản thân tốt hơn từng ngày trong môi trường làm việc cũng là một phương cách “giải độc” cho văn hóa công sở ở Việt Nam đấy.
Bằng chứng hóa mọi thứ
Trong môi trường làm việc toxic, thiếu niềm tin lẫn nhau là điều thường thấy. Chính vì thế, việc lưu giữ mọi bằng chứng, thông tin được xác thực chính là cách để bạn tự bảo vệ chính mình.
Khi nói những nội dung quan trọng với riêng ai đó, bạn hãy cân nhắc đến việc chụp màn hình đoạn hội thoại. Nếu chẳng may sau này có ai đánh giá sai năng lực của bạn với sếp, hãy đưa ra những bằng chứng ấy để chứng minh thực tế.
Dũng cảm và phản hồi thật lòng
Thay vì im lặng trước những điều bất bình trong môi trường làm việc toxic, hãy mạnh dạn nói ra những suy nghĩ của bạn qua nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như: điền khảo sát đánh giá chất lượng công ty, họp với các cấp quản lý,…
Có những nguồn độc hại không phải ai cũng nhìn thấy được. Nếu bạn có khả năng phát giác ra, đừng “ngậm bồ hòn” mà hãy thành thật phản hồi để tránh mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát.
Nhìn mọi chuyện từ góc nhìn của đối phương
Một câu chuyện sẽ có rất nhiều góc nhìn. Có thể đối với bạn điều đó chưa đúng, nhưng với đối phương lại hoàn toàn bình thường.
Chính vì thế, bạn hãy cố gắng cởi mở để lắng nghe và thấu hiểu góc nhìn của đối phương. Có thế, cả hai sẽ hiểu nhau hơn và không còn cố chấp với mỗi quan điểm của mình.
Đừng đổ lỗi
Môi trường làm việc toxic đôi khi không đến từ người khác, mà lại đến từ chính bản thân bạn. Có những lúc bạn sẽ vô tình gây ra những điều độc hại.
Thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, mọi người xung quanh,… hãy một lần nhìn nhận lại lỗi lầm của mình và xin lỗi họ.
Gợi ý giải pháp cho người mà bạn cho là “độc hại”
Để tránh gặp phải môi trường làm việc toxic, bạn hãy luôn tâm niệm rằng thật ra những người bạn cho là “độc hại” cũng có những nỗi niềm, vấn đề riêng.
Thay vì chăm chăm bới móc cái sai của họ, hãy cho họ một giải pháp trong tương lai. Họ sẽ vừa nể phục lòng bao dung của bạn, vừa nhận thấy bạn đáng tin cậy hơn.
Giúp đồng nghiệp “giải hóa” cơn giận dữ
Đôi khi, giận dữ cốt chỉ để che giấu nỗi sợ bên trong. Thay vì sừng cồ phản pháo, bạn hãy thật bình tĩnh để nhìn thấy rõ cốt lõi của vấn đề là gì. Có khi, đồng nghiệp của bạn chỉ đang cần giúp đỡ hay hỗ trợ gì đó mà thôi. Hãy giúp họ đạt được điều họ muốn trong tầm khả năng của bạn, mọi chuyện sẽ dần tốt lên.
Lời kết
Môi trường làm việc toxic sẽ khiến bạn không thể phát triển bản thân. Văn hóa công ty không lành mạnh sẽ khiến bạn bị ảnh hưởng tiêu cực. Đừng ngại thay đổi khi còn trẻ để tích lũy kinh nghiệm và lựa chọn được môi nơi thích hợp để phát triển lâu dài.