Nộp hồ sơ một lần nữa cho vị trí mà bạn đã từng bị từ chối tuyển dụng, nên hay không nên?
Chắc hẳn đã không ít lần bạn bắt gặp một công việc được đăng tuyển lại chỉ vài ba tháng sau khi từ chối hồ sơ xin việc của bạn. Vậy bạn có từng thắc mắc tại sao công ty lại đăng lại những công việc này? Và liệu có cơ hội nào cho bạn ở lần mở tuyển thứ hai không? Hãy theo dõi tiếp nội dung dưới đây nhé!
1. Tại sao những công việc này lại được quảng cáo một lần nữa?
1.1/ Công ty chưa thu thập đủ hồ sơ các ứng viên tiềm năng
Lý do phổ biến nhất mà một vị trí tuyển dụng được đăng lại là vì sau lần mở tuyển đầu tiên, nhà tuyển dụng không nhận đủ số lượng CV đủ tiêu chuẩn.
Điều này xảy ra thường là do lượng hồ sơ đổ về rất nhiều khiến nhà tuyển dụng an tâm về số lượng và đóng thông tin đăng tuyển lại để tiến hành các bước xét duyệt tiếp theo.
Tuy nhiên, sau quá trình sàng lọc, những CV đủ tiêu chuẩn lại quá ít so với dự kiến khiến công ty phải mở lại công việc đó một lần nữa để kêu gọi thêm nhiều ứng viên tiềm năng hơn.
1.2/ Mô tả hoặc yêu cầu của vị trí công việc đã thay đổi
Mặc dù điều này không thường xuyên xảy ra nhưng cũng không phải là không có cơ sở. Khi nhà tuyển dụng bắt đầu sàng lọc hồ sơ, họ có thể nhận ra rằng thông tin tuyển dụng cần được điều chỉnh để phản ánh chính xác hơn yêu cầu công việc và kỳ vọng của người quản lý đối với ứng viên tiềm năng.
1.3/ Lời mời làm việc bị từ chối
Đây cũng là một trường hợp không hề hiếm gặp. Trong tình huống này, một số nhà tuyển dụng sẽ quyết định gửi lời mời làm việc cho một ứng viên trong danh sách dự phòng của họ. Tuy nhiên, nhiều nhà tuyển dụng khác quyết định sẽ thực hiện quy trình tuyển dụng lại từ đầu để tìm đc ứng viên ưng ý nhất.
Nếu không có người về nhì tiềm năng từ vòng phỏng vấn cuối cùng, vị trí tuyển dụng sẽ được đăng lại và nhiệm vụ tìm kiếm ứng viên phù hợp sẽ được thực hiện lại từ đầu.
2. Khi nào không nên ứng tuyển lại sau khi bị từ chối tuyển dụng?
2.1/ Nhà tuyển dụng nêu yêu cầu rõ ràng
Trong một số trường hợp, nhà tuyển dụng sẽ thêm một lưu ý nhỏ rằng những ứng viên đã từng ứng tuyển cho vị trí này không cần nộp lại CV nữa.
Mục tiêu của nhà tuyển dụng lúc này là mở rộng danh sách ứng viên của họ. Nhà tuyển dụng cũng có thể muốn truyền tải thông điệp rằng họ đã có sẵn thông tin của bạn từ lần tuyển trước và sẽ xét duyệt lại dựa trên những thông tin đó. Hoàn toàn không cần thiết cho việc nộp đơn lần hai.
2.2/ CV của bạn không thay đổi
Dù nhà tuyển dụng không đưa ra yêu cầu cụ thể, nhưng nếu CV của bạn không thay đổi gì so với lần ứng tuyển trước, thì bạn cũng không nên nộp lại.
Một điều chắc chắn là nhà tuyển dụng đã xem xét kỹ nhóm ứng viên hiện có để đưa ra quyết định từ chối tuyển dụng của họ.
Vì vậy, nếu CV của bạn không có điều gì mới để nhà tuyển dụng có thể xem xét thêm, việc nộp hồ sơ lại và mong đợi một kết quả khác là không khả thi.
2.3/ Bạn không đủ tiêu chuẩn
Bạn có thể rất yêu thích và có niềm đam mê lớn với công việc đó. Tuy nhiên, việc xem xét chấp nhận hay từ chối tuyển dụng chủ yếu nằm ở CV của bạn và khả năng chuyên môn bạn thể hiện trong đó.
Việc nộp đơn lại nhiều lần cho một công việc mà bạn không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu sẽ không mang lại nhiều lợi ích. Nếu đúng như vậy, có thể ngay từ đầu bạn đã không nên ứng tuyển vào vị trí này.
Vì vậy, hãy xem xét kỹ để xác định những điều nhà tuyển dụng coi là yêu cầu cốt lõi đối với một ứng viên tiềm năng cho vị trí đó. Nếu bạn không đáp ứng được những yêu cầu này, đã đến lúc tìm kiếm những cơ hội phù hợp hơn.
3. Khi nào nên ứng tuyển lại sau khi bị từ chối tuyển dụng?
3.1/ Trình độ của bạn đã thay đổi kể từ lần nộp đơn đầu tiên
Nếu bạn đã giành được chứng chỉ hoặc bằng cấp mới, được thăng chức, đảm nhận trách nhiệm mới hoặc phát triển một kỹ năng mới phù hợp hơn công việc, hãy cập nhật hồ sơ xin việc của bạn để thể hiện rõ những điều mới này và ứng tuyển lại cho vị trí đó một lần nữa.
Điều này không thể chắc chắn rằng bạn sẽ được trao cơ hội hay tiếp tục bị từ chối tuyển dụng một lần nữa. Tuy nhiên, bạn có thể mang thêm những giá trị mới cho doanh nghiệp của họ với lần ứng tuyển này, và điều đó đáng để được xem xét thêm một lần nữa. Nếu phần vân có nên gửi mail 2 lần cho nhà tuyển dụng, bạn vẫn có thể nếu tự tin với trình độ hiện tại của mình
3.2/ CV của bạn đã được tùy chỉnh theo công việc
Lời khuyên lớn nhất là luôn phải tùy chỉnh lại CV của bạn cho từng công việc cụ thể. Nếu bạn không làm điều đó ở lần ứng tuyển đầu tiên, thì bạn có thể làm lại CV của mình và thử sức lại với cho cơ hội này.
Ngay cả khi bạn đủ tiêu chuẩn chuyên môn, hồ sơ của bạn cũng có thể bị từ chối tuyển dụng nếu CV không được viết đúng cách để nêu bật được sự phù hợp của bạn với vị trí đang tuyển. Hãy đọc kỹ hơn các yêu cầu công việc để đảm bảo CV của bạn thể hiện rõ ràng các kỹ năng và trình độ chuyên môn.
Bên cạnh đó, nhiều công ty sử dụng Phần mềm quản lý hồ sơ ứng viên (ATS) để sàng lọc hồ sơ ở những vòng đầu.
Nếu CV của bạn đang sử dụng quá nhiều hình ảnh, biểu đồ hoặc các yếu tố sáng tạo khác, bạn có thể cần xây dựng lại CV phù hợp hơn với tiêu chuẩn của ATS để có cơ hội được chọn cao hơn. Hãy quan tâm đến các từ khóa, cách trình bày đơn giản theo dòng từ trái qua phải, v.v
Có trường hợp nhiều ứng viên thắc mắc rằng có nên ứng tuyển 2 vị trí cùng một công ty? Bạn có thể ứng tuyển nhiều vị trí trong cùng một công ty. Tuy nhiên, bạn cần phải xem xét mức độ phù hợp của mình với từng vị trí đó. Nếu tất cả đều liên quan đến trình độ và kinh nghiệm của bạn thì cũng có thể thử. Đương nhiên là việc nộp hồ sơ vào quá nhiều vị trí là không nên. Hãy cân nhắc 1 – 2 công việc phù hợp nhất với bạn.
3.3/ Bạn có người giới thiệu
Trường hợp này không phải lúc nào cũng thành công, vì điều quan trọng vẫn là khả năng chuyên môn được thể hiện qua CV của bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn tìm thấy ai đó mà bạn biết, hãy liên hệ và xin lời khuyên để cải thiện lại CV hoặc hiểu thêm về quy trình tuyển dụng của công ty đó hay không.
Tốt hơn hết, hãy tìm hiểu xem họ có sẵn sàng chuyển CV của bạn trực tiếp cho bộ phận nhân sự hoặc người quản lý phòng ban đó; hoặc liệu họ có cho phép bạn đưa tên của họ vào đơn xin việc của bạn hay không.