Người Nhật vốn nổi tiếng kĩ lưỡng. Họ không chỉ đánh giá bạn ở mặt chuyên môn hay bằng cấp mà sẽ có những quy tắc nho nhỏ đánh giá về con người ngay lần gặp đầu tiên. Ấn tượng về bạn trong lần gặp đầu tiên gần như quyết định tất cả mối quan hệ của bạn với họ từ đó về sau. Do đó, để có một buổi phỏng vấn suôn sẻ, bạn cần chú ý những điều sau đây.
1. Chuẩn bị trước khi phỏng vấn
Cần nhớ
Gửi thư xác nhận thời gian, địa điểm, người phụ trách phỏng vấn, …
Chuẩn bị kỹ càng hồ sơ ứng tuyển
Chuẩn bị trang phục, chú ý vẻ bề ngoài sao cho phù hợp
Chuẩn bị vật dụng cần thiết như sổ tay, bút, cặp sách, …
Tìm hiểu thông tin về công ty, vị trí ứng tuyển
Cần lưu ý:
Kiểm tra và ghi nhớ thông tin về công ty
Người Nhật luôn biết rõ thông tin về công ty vì họ luôn tự hào về công ty cũng như công việc đang làm. Vì vậy, ngoài thông tin về vị trí muốn ứng tuyển ra, bạn nên tìm hiểu thêm:
Lịch sử thành lập công ty, những cộc mốc đáng nhớ
Các ngành nghề kinh doanh chính
Các thành tựu nổi bật - niềm tự hào của công ty
Trong lúc phỏng vấn, bạn nên đưa một vài thông tin trên vào cuộc nói chuyện một cách tự nhiên. Họ sẽ nhận thấy được rằng bạn thực sự quan tâm đến công ty, và hơn nữa, là bạn luôn tìm hiểu thông tin CHU ĐÁO như thế nào.
2. Trong buổi phỏng vấn
Cần nhớ
Tuyệt đối đúng giờ (theo cách tính của người Nhật)
Chào hỏi dứt khoát, khỏe khoắn
Tránh các thói quen thường ngày như: quay bút, nhịp chân, …
Đặc biệt tránh sờ hoặc vò danh thiếp đã nhận từ người phỏng vấn
Tắt hoặc để điện thoại chế độ rung
Để túi xách gọn gang dọc theo thân ghế, chuẩn bị sẵn sổ tay và bút viết để ghi chép khi cần thiết
Cảm ơn công ty và người phụ trách đã dành thời gian
Cần lưu ý:
- Đến sớm 10 phút
Liệu đường có kẹt xe không? Bạn muốn kiểm tra lại trang phục trước khi vào phòng phỏng vấn? Hoặc có thể người phụ trách đến sớm hơn và ngồi đợi bạn? Bằng việc đến trước giờ hẹn ít nhất 10 phút, bạn đã cho thấy "Tôi thực sự SẴN SÀNG" về nhiều nghĩa.
- Vị trí ngồi
Trong tác phong ứng xử của người Nhật, vị trí ngồi phản ánh thứ bậc trong một nhóm, đồng thời thể hiện sự TÔN TRỌNG của mình với đối tác.
Trường hợp người phụ trách đã ngồi sẵn đợi bạn, bạn chỉ cần ngồi vào phía đối diện. Nếu người phụ trách chưa đến, bạn nên đứng đợi. Khi người phụ trách bước vào cửa, bạn nên từ tốn hỏi rằng mình nên ngồi đâu, tránh vội vàng ngồi xuống ngay mà thất lễ bạn nhé.
Hãy nói chuyện
Một cuộc phỏng vấn nhàm chán thường chỉ có một người hỏi và một người trả lời.
Khi phỏng vấn, người Nhật luôn hỏi: “Bạn có điều gì muốn hỏi hay không?”, ngụ ý để xem xét ứng cử viên thể hiện bản thân mình như thế nào. Do đó, bạn hãy mạnh dạn trả lời “Có” để biến cuộc phỏng vấn thành một cuộc trò chuyện vừa vui vẻ vừa đầy đủ thông tin cho cả hai bên. Việc bạn đặt ra câu sẽ thể hiện được việc bạn thực sự QUAN TÂM đến công việc này và bạn có khả năng CHỦ ĐỘNG ngay cả trong những tình huống “một đối một” thế này. Về điểm này, thì không riêng người Nhật mà bất kì ông chủ nào cũng muốn có một nhân viên như vậy.
Hãy thành thật
Người Nhật quan trọng sự THÀNH THẬT hơn bất cứ điều gì. Đừng vẽ ra cho họ một hình ảnh không thật về bạn, để rồi khi được nhận vào công ty, bộ mặt thật của bạn hiện ra.
Trong xã hội Nhật, có chuyên môn và kinh nghiệm chưa hẳn đã là một lợi thế. Công ty Nhật có thể tuyển dụng một sinh viên mới ra trường, thậm chí làm trái với chuyên ngành họ học, miễn là người đó luôn có tinh thần học hỏi, CẦU TIẾN, không ngại gian khổ. Vì vậy, đừng ngại để nói ra một việc bạn chưa rõ hay chưa biết, miễn là trong bạn có KHÁT KHAO HỌC HỎI.
Tạo ấn tượng
Hãy luôn ghi nhớ, bạn không phải là ứng viên duy nhất!!
Tạo được ấn tượng với người phỏng vấn bạn, đó là một lợi thế lớn, đặc biệt khi “tỉ lệ chọi” cao. Chẳng có lý do gì để người phụ trách phải chọn một người nhạt nhòa trong khi ứng cử viên sáng giá hơn vẫn còn ở ngoài kia. Một suy nghĩ thú vị hay một biệt danh thú vị sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ nhớ đến bạn hơn. Ví dụ, “Tôi tên là Nhàn. Nhưng do trong tiếng Nhật, tên tôi đọc lên nghe như âm của tiếng mèo kêu, nên anh/chị có thể gọi tôi là “Nyan ko” (nghĩa là con mèo) cũng được.”
Ai cũng mong muốn được làm việc với một đồng nghiệp THÚ VỊ. Và người phụ trách phỏng vấn bạn cũng không phải là một ngoại lệ.
Lời cảm ơn trước khi kết thúc buổi phỏng vấn
Khoan hãy nghĩ đến việc mình đậu hay “tạch” ở buổi phỏng vấn này. Trước hết, người phụ trách đã 1) cho bạn một cơ hội thể hiện bản thân mình, 2) dành thời gian để phỏng vấn bạn. Chỉ riêng 2 điều này đã đủ để bạn nên cảm thấy biết ơn và nói lời cảm ơn trước khi kết thúc buổi phỏng vấn. Lời cảm ơn luôn được coi trọng trong một xã hội trọng lễ nghĩa, phép tắc như nước Nhật, đặc biệt là trong văn hóa ứng xử trong công ty. Hãy cho họ thấy bạn là một người biết LỄ NGHĨA và hãy để lời cảm ơn chân thành từ bạn là cái kết đẹp cho buổi phỏng vấn.
3. Sau khi phỏng vấn
Cần nhớ
Giữ gìn danh thiếp người phỏng vấn
Gửi thư cảm ơn công ty và người phụ trách đã dành thời gian
Nhấn mạnh khả năng đáp ứng và động cơ mong muốn được tuyển dụng
Cần lưu ý:Gửi email cảm ơn
Sau khi phỏng vấn, người phụ trách sẽ luôn hẹn bạn một ngày hoặc một khoảng thời gian cụ thể cho một vòng phỏng vấn nữa hoặc trả lời kết quả phỏng vấn hôm nay cho bạn. Đừng quá nôn nóng gọi điện thoại lại trước ngày đã hẹn trước. Thay vì ngồi đợi mà không làm gì cả, để đảm bảo việc liên lạc được thông suốt giữa bạn và người phụ trách tuyển dụng, bạn có thể gửi một email cảm ơn. Đây cũng xem như một điểm cộng nữa cho sự chu đáo của bạn, một lời “nhắc khéo” rằng bạn đang rất mong đợi kết quả.
Người Nhật thường không cảm thấy thoải mái khi làm việc trong một môi trường có nền văn hóa khác biệt. Vì vậy, hãy cho họ thấy, bạn là người có phép tắc, lễ nghĩa, biết tôn trọng văn hóa công ty cũng như văn hóa đất nước Nhật Bản.
Bằng những lưu ý trong bài viết này, hi vọng bạn sẽ có một buổi phỏng vấn suôn sẻ và để lại ấn tượng tốt đẹp về nhân sự Việt Nam trong suy nghĩ của những nhà tuyển dụng Nhật Bản.