Trì hoãn là gì? 6 cách để vượt qua thói quen trì hoãn trong công việc2024.12.12

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng trì hoãn các việc phải làm trong cuộc sống, công việc và học tập. Điều đó không những khiến chúng ta không hoàn thành được công việc mà còn gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Vậy bạn có biết sự trì hoãn là gì? Thói quen trì hoãn có ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc ra sao? Hãy cùng TG Vina tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Trì hoãn là gì?

Sự trì hoãn tiếng Anh gọi là Procrastination là việc cố tình hoãn lại một việc gì đó đáng lẽ được giải quyết ngay nhưng lại chần chừ, khiến công việc dang dở và không đạt được mục tiêu đề ra. 

Bạn có biết Procrastination là gì bắt nguồn từ đâu không? Từ này bắt nguồn từ tiếng Latin - “procrastinate” có nghĩa là “Để đến ngày mai”. Tức là công việc chưa làm hôm nay, để đến ngày mai cũng được.

Theo giáo sư tâm lý học Joseph Ferrari, tác giả của cuốn sách “Still Procrastinating: The No Regret Guide to Getting It Done” chỉ ra rằng có khoảng 20% người trưởng thành Mỹ trì hoãn kinh niên trong cuộc sống, công việc và các mối quan hệ. Còn theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Arushi Malik chỉ ra có tới 63% bạn trẻ có xu hướng bỏ dở công việc đến phút cuối.

Như vậy có thể thấy trì hoãn là thói quen khó bỏ của rất nhiều người, đặc biệt càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Thói quen trì hoãn là gì? Đó là một hiện tượng tâm lý thể hiện bản chất của sự trì trệ hoặc kéo dài hành động, quyết định nào đó. Lẽ ra phải dành thời gian hoàn thành công việc thì lại lãng phí hàng giờ vào những việc tầm thường như xem TV, lướt facebook, tiktok, mua sắm trực tuyến, v.vv...

Hình thức phổ biến của trì hoãn

Theo một số nhà nghiên cứu, trên thế giới có 2 loại người trì hoãn là người trì hoãn chủ động và người trì hoãn thụ động. 

Với người trì hoãn chủ động thường trì hoãn công việc một cách có chủ đích vì cảm thấy không có thử thách, động lực để làm. Ví dụ như một người phải nộp báo cáo công việc nhưng luôn chần chừ việc thực hiện cho đến sát ngày deadline mới bắt đầu làm.

Với người trì hoãn thụ động thường do họ khó đưa ra quyết định và hành động, nên trì hoãn để cân nhắc về quyết định hoặc xin ý kiến từ người khác.

Xét về hành vi trì hoãn nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng có 6 loại trì hoãn phổ biến:

  • Perfectionist - Người cầu toàn: Là nhóm người ưa thích sự chỉn chu bởi vậy họ sẽ có xu hướng trì hoãn công việc vì lo sợ không thể hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo. 
  • Dreamer - Những người mơ mộng: Nhóm người thường không chú ý đến tiểu tiết bởi vậy họ cũng thường trì hoãn công việc.
  • Worrier - Người lo lắng: Nhóm người này trì hoãn công việc vì không dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Họ luôn lo lắng việc thay đổi, khó có thể hoàn thành công việc nên sẽ chần chừ với việc đưa ra quyết định, hành động.
  • Crisis-maker - Người tạo ra khủng hoảng: Ngược lại với nhóm người trên, nhóm này thích làm việc dưới áp lực, ưa thích sự thử thách bản thân. Nên nếu công việc đưa ra ít tính thử thách họ sẽ có xu hướng trì hoãn để làm những việc khác mà họ ưa thích.
  • Overdoer - Người làm quá sức: Nhóm người này trì hoãn công việc bởi họ phải đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ mà không đủ thời gian và sức lực để có thể hoàn thành.
  • Defier - Người bất chấp: Là nhóm người không thích sự áp đặt, đòi hỏi của người khác, và có xu hướng chống lại những yêu cầu đó. Điều này khiến họ thường trì hoãn công việc hoặc không hoàn thành một cách hiệu quả.

Nguyên nhân dẫn đến thói quen trì hoãn là gì?

Trì hoãn là thói quen khó bỏ của nhiều người được hình thành bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến thói quen trì hoãn. Cụ thể:

  • Không biết cách kiểm soát cảm xúc bản thân. Lúc này, tâm trí bạn dễ bị xao nhãng, phân tâm bởi các thứ khác như xem TV, trò chuyện,.. và trì hoãn làm các công việc đã vạch ra.
  • Không tạo được động lực cho bản thân, thiếu năng lượng và tinh thần làm việc. Thường chờ đợi khi tâm trạng tốt hơn để làm hoặc khi có cảm hứng thì mới làm việc.
  • Chủ quan, tự tin vào khả năng bản thân, nghĩ rằng có thể hoàn thành công việc vào phút cuối nên trì hoãn thực hiện, đến phút chót mới bắt tay vào làm.
  • Thiếu sự quyết đoán khi đưa ra quyết định nên sẽ trì hoãn việc thực hiện.
  • Thói quen trì hoãn lâu năm mà không khắc phục được.
  • Lười biếng, khi thực hiện công việc thường ngại khó khăn, không chịu tìm tòi khám phá dẫn đến không biết phải bắt đầu từ đâu.
  • Thói quen chờ đến phút chót thì mới có động lực để làm việc.

Như vậy nguyên nhân dẫn đến thói quen trì hoãn là gì bắt nguồn từ yếu tố chủ quan và khách quan. Nếu không tìm cách khắc phục sự trì hoãn sẽ trở thành thói quen khó từ bỏ và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc cũng như các mối quan hệ.

Hậu quả của sự trì hoãn trong công việc

Trì hoãn công việc là gì, gây ảnh hưởng đến hiệu suất cũng như các mối quan hệ khác. Không chỉ vậy, sự trì hoãn là một thói quen xấu ngăn cản sự phát triển của bản thân, và đi kèm với đó là hàng loạt hậu quả không mong muốn.

  • Lãng phí thời gian: Thời gian là tài sản quý giá, nếu không thực hiện công việc ngay mà đợi “nước đến chân mới nhảy” là bàn đã bỏ lỡ rất nhiều thời gian. Hơn nữa việc trì hoãn còn khiến chất lượng công việc giải quyết chóng vánh sẽ không đạt được kết quả tốt, thậm chí còn chậm tiến độ.
  • Đánh mất cơ hội phát triển: Không chỉ lãng phí thời gian mà bạn còn bỏ lỡ nhiều cơ hội việc làm quan trọng khác. Khi mà người khác đã hoàn thành công việc và có thời gian trau dồi những kỹ năng, kinh nghiệm thì bạn mới bắt tay vào làm việc. Điều đó khiến bạn bị mất đi cơ hội quý giá để phát triển bản thân.
  • Mất uy tín: Trong cuộc sống việc gây dựng uy tín đã rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian, nhưng chỉ vì sự trì hoãn, chậm trễ sẽ khiến bức tường uy tín của bạn sụp đổ. Thói quen trì hoãn trong công việc ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả công việc và tiến độ hoàn thành. Việc này sẽ khiến mọi người không còn tin tưởng, tôn trọng bạn nữa. 
  • Phá vỡ mối quan hệ với mọi người: Việc trì hoãn trong công việc sẽ khiến mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp, sếp, khách hàng, đối tác bị suy giảm. Không ai còn muốn tin tưởng vào những lời hứa suông từ bạn, uy tín cũng vì thế mà giảm sút. 
  • Gây ra các thói quen xấu khác: Lề mề và thiếu chủ động. Bởi vì việc trì hoãn cứ liên tục lặp lại, kéo dài sẽ ảnh hưởng đến phản xạ nhanh nhạy, tạo ra tâm lý chậm chạp trong mọi việc. Đồng thời việc trì hoãn sẽ khiến bạn thiếu tự tin vào bản thân mình, thiếu tính chủ động trong việc.
  • Ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần: Vì trì hoãn sẽ khiến công việc bị dồn ứ và phải làm trong thời gian ngắn. Do đó bạn sẽ phải làm việc overtime, thức thâu đêm suốt sáng để hoàn thành. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần, khiến bạn mệt mỏi, căng thẳng.

Cách vượt qua trì hoãn trong công việc

Đến đây bạn đã hiểu trì hoãn là gì, thói quen trì hoãn gây ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống ra sao rồi phải không. Đây là một thói quen xấu bạn cần nghiêm túc để loại bỏ nó để có cơ hội phát triển bản thân ngày càng tốt hơn. Để vượt qua được sự trì hoãn trong công việc bạn cần thực hiện các bước dưới đây:

Lập danh sách việc cần làm

Cách khắc phục sự trì hoãn không thể chỉ bằng câu nói tự vấn bản thân mình rằng “hãy dừng việc trì hoãn lại”, “mình phải làm ngay” mà không hành động gì. Trước tiên, bạn cần tạo một danh sách những việc cần làm, hạn chót phải hoàn thành. Khi đó bạn sẽ tổ chức, sắp xếp công việc một cách khoa học. Kỹ năng quản lý, sắp xếp công việc theo trình tự ưu tiên sẽ giúp bạn tập trung vào công việc cần giải quyết ngay. 

Đặt mục tiêu và timeline thực hiện

Một trong những lý do dẫn đến việc trì hoãn đó chính là mục tiêu mơ hồ, bạn không biết phải làm, không biết phải làm như thế nào. Vậy nên việc xác định mục tiêu là rất cần thiết. 

Tuy nhiên bạn cũng nên đặt mục tiêu sát với thực tế, tránh mục tiêu quá xa vời. Tốt nhất bạn nên đặt mục tiêu ngắn hạn cho từng giai đoạn. Đồng thời khi đã có mục tiêu cũng cần xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết với timeline cụ thể nhất. Việc này sẽ khiến bạn có hứng thú, động lực để làm việc ngay lập tức thay vì sự trì hoãn.

Bắt đầu từ những việc nhỏ và đơn giản nhất

Chia nhỏ công việc thành từng nhiệm vụ nhỏ sẽ khiến bạn có hứng thú hơn với từng việc, do đó bạn sẽ không còn tâm trí đâu để trì hoãn nữa. Bạn có thể chọn những nhiệm vụ nhỏ, đơn giản nhất để làm trước. Như vậy khi hoàn thành từng nhiệm vụ bạn sẽ cảm thấy có động lực để tiếp tục làm việc.

Tự thưởng cho bản thân

Chắc chắn ai cũng thích nhận được lời khen, hay một món quà nhỏ ghi nhận sự nỗ lực khi đã hoàn thành công việc. Cho dù mục tiêu bạn đạt được nhỏ hay to thì cũng đừng quên tự thưởng cho bản thân mình. Điều này tạo ra cảm xúc tích cực, giúp bản thân cảm thấy có động lực hơn để hoàn thành công việc. 

Trắc ẩn tự thân (Self compassion)

Theo như một số nghiên cứu cho rằng việc thực hành trắc ẩn tự thân (Self Compassion) sẽ tạo ra động lực ngày chính thời điểm chúng ta trì hoãn. Cách này sẽ làm giảm căng thẳng tâm lý gây ra sự trì hoãn, đồng thời não bộ sẽ sản sinh ra cảm xúc tích cực, lạc quan hơn, giúp bạn bao dung với bản thân hơn.

Bao dung với bản thân hoàn toàn khác với việc dung túng cho sự thất bại của bản thân. Sự bao dung là việc bạn sẽ chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân, và sẽ không còn e dè trước những phán xét từ người khác. Bạn sẽ có xu hướng tin tưởng vào chính bản thân mình sẽ đứng dậy sau vấp ngã mà tiến bộ hơn, từ đó sẽ bắt tay vào công việc ngay thay vì trì hoãn.

Để thực hành được trắc ẩn bản thân bạn cần luyện tập mỗi ngày với các bước sau:

  • Lắng nghe bản thân và thừa nhận cảm xúc bên trong: Khi bạn có ý định muốn trì hoãn công việc nào đó, hãy tự vấn bản thân xem cảm xúc của bạn như thế nào? Có lo lắng, sợ hãi, thiếu động lực, hay chán nản không?
  • Tập bao dung cho bản thân vì những cảm xúc tiêu cực mà bạn đang có. Tha thứ cho hành vi trì hoãn trong quá khứ để bạn có thể nhanh chóng quay trở lại hiện tại với nhiệm vụ đang chờ trước mắt.
  • Tìm hiểu kỹ vấn đề và hướng tới cách giải quyết: Việc đi sâu tìm hiểu kỹ vấn đề khiến bạn có những cảm xúc như vậy là gì, để từ đó tìm ra cách giải quyết phù hợp.
  • Việc tự trắc ẩn bản thân không phải là việc bạn có thể khắc phục thói quen trì hoãn ngay tức thì. Đây sẽ là cách để bạn tiếp cận hiểu sâu hơn hành vi trì hoãn của mình để có cách giải quyết nhẹ nhàng mang tính bền vững.

Xóa bỏ nguyên nhân gây trì hoãn

Sẽ thật khó có thể tập trung làm việc khi ngay bên cạnh bạn có điện thoại liên tục reo, hay những video hấp dẫn trên mạng xã hội, hay bàn làm việc quá bừa bộn, không gian xung quanh ồn ào, v.vv.. Những nguyên nhân này khiến bạn sẽ cảm thấy không có tinh thần muốn làm việc, và việc trì hoãn sẽ “ghé thăm” làm chậm tiến độ công việc.

Bởi vậy hãy luôn đảm bảo không gian làm việc gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp, không có sự xuất hiện của những đồ vật khiến bạn phân tâm. Nếu có thể hãy chuyển chế độ điện thoại sang rung, hoặc im lặng. Trình duyệt web thoát khỏi màn hình các kênh mạng xã hội. Bạn cũng có thể lựa chọn cho mình không gian làm việc yên tĩnh để tập trung vào làm việc.

Ngoài các bước trên bạn cũng cần rèn luyện cho mình một vài thói quen tốt để có thể kiểm soát tốt công việc như: 

  • Kỹ năng quản lý thời gian
  • Tuân thủ kế hoạch đề ra
  • Nghỉ ngơi giữa giờ để giải tỏa căng thẳng, lo âu

Như vậy qua bài viết trên bạn đã hiểu hơn về thói quen trì hoãn là gì?  Để vượt qua sự trì hoãn bạn cần loại bỏ suy nghĩ “để mai làm”, hãy hành động ngay bằng những kế hoạch chi tiết đã vạch ra, có như vậy bạn sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu, phát triển bản thân tốt hơn.

Vượt qua sự trì hoãn giúp công việc của bạn luôn hoàn thành đúng tiến độ và đạt kết quả cao, tăng cơ hội thăng tiến, đồng thời giúp tạo dựng lòng tin với Sếp và đồng nghiệp. Để tiếp cận với những việc làm trong mơ với mức thu nhập và đãi ngộ hấp dẫn đến từ những tập đoàn hàng đầu hiện nay.