Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố thông tin 6 tháng đầu năm 2024 thu nhập bình quân của người lao động là 8,4 triệu đồng/tháng, tăng 567.000 đồng/tháng so với cùng kỳ. Đây là thông tin đáng phấn khởi, nhưng lại làm cho người đọc không khỏi băn khoăn.
Thống kê xã hội trước nhất là cơ sở để hoạch định các chính sách và giải pháp đối phó. Theo công bố này, Chính phủ sẽ yên tâm là mặt bằng thu nhập của nhân dân đã tăng lên, đời sống khá hơn, do vậy một số chính sách có thể để chậm lại, chẳng hạn không cần tăng mức giảm trừ gia cảnh hay gia hạn thêm thời gian cho việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng...
Thật sự, con số thống kê này có mang lại cho chúng ta sự an tâm và phấn khởi?
Với những người am hiểu thì con số thống kê kiểu như thế này không có ý nghĩa bao nhiêu mà còn gây hiểu lầm.
Thu nhập bình quân là con số cộng dồn của các mức thu nhập khác nhau từ cực tiểu cho đến cực đại của các cá nhân và nhóm người khác nhau, sau đó chia ra lấy con số trung bình.
Như vậy, vô hình trung nó không cho chúng ta biết chính xác bức tranh kinh tế của xã hội ở một thời gian cụ thể với những khuôn mặt cụ thể, điều này giống như chuyện báo cáo của chương trình xóa đói giảm nghèo cho hay đời sống người dân được cải thiện, trung bình mỗi nhà được nửa con gà trong bữa ăn, nhưng thực tế một nhà ăn nguyên cả con, còn nhà kia ăn cơm với muối (!).
Hơn thế nữa, khái niệm "người lao động" xem ra rất chung chung, không phản ánh được đời sống thực.
Ai là người nằm trong diện tăng thêm 567.000 đồng/tháng này, họ là công chức viên chức nhà nước, công nhân trong các khu công nghiệp, nhân viên trong các doanh nghiệp hay lao động tự do, người buôn thúng bán bưng?
Có một thực tế là đời sống của đa phần người dân rất khó khăn, sản xuất đình đốn, nhiều nhà máy không có đơn hàng, khiến công nhân mất việc hàng loạt, người có việc thì giảm thu nhập; thị trường bất động sản đóng băng, các công trường xây dựng nhà ở im ắng, khiến cho đội quân đông đảo vận hành theo từ xây dựng, sản xuất vật liệu đến mua bán cùng èo uột; người dân thắt lưng buộc bụng khiến các dịch vụ trầm lắng, các cửa hàng đóng cửa, nhiều loại hình dịch vụ ngắc ngoải, kể cả ăn uống và giải khát...
Việc xác định thu nhập thực tế chính xác của từng nhóm người, từng lĩnh vực sẽ giúp Chính phủ có những quyết sách đúng liên quan đến trợ cấp cho những nhóm thực sự khó khăn; giãn nợ, khoanh nợ cho các đơn vị thuộc các lĩnh vực khó khăn tạm thời, cho vay ưu đãi những nhóm có cơ hội hồi phục và đột phá vào những điểm then chốt có thể làm thay đổi hệ thống nhằm tăng năng suất lao động, mở rộng quy mô sản xuất...
Do hiểu rõ chính xác thực trạng sức khỏe của nền kinh tế, đời sống của người dân mà hầu hết các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đã tung ra các gói hỗ trợ hàng tỉ USD đến từng hộ dân nhằm cải thiện đời sống, kích cầu tiêu dùng.
Để làm được như thế, tất nhiên chính phủ các nước đã có trong tay các thông tin cần và đủ của từng cá nhân, hộ gia đình phục vụ các quyết sách quan trọng.
Những thông tin và thống kê theo kiểu đại khái, chung chung, những dự báo ít có cơ sở khoa học cần phải thay đổi.
Điều này không chỉ giúp ích cho Chính phủ, Quốc hội, chính quyền các tỉnh thành mà còn đối với mỗi người dân. Khi có thông tin tương đối đầy đủ, người dân sẽ biết mình cần đầu tư tài chính vào đâu, học nghề gì, định hướng mưu sinh ra sao...