THÂT NGHIỆP CÀNG LÂU, DEAL LƯƠNG PHẢI CÀNG THẤP?2021.04.20
Trong thời gian gần đây, có rất nhiều thông tin cho rằng "Nhà tuyển dụng có xu hướng ưu ái ứng viên đang trong quá trình làm việc hơn là các bạn đã nghỉ việc, thất nghiệp tầm 2 - 3 tháng." Bởi theo lý giải của một số cá nhân, các ứng viên thất nghiệp dài hạn thường có rất nhiều vấn đề xung quanh.
Đơn cử là trong năm 2020 vừa qua khi đại dịch Covid – 19 ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, những cá nhân bị sa thải trong thời điểm đó luôn bị đặt câu hỏi: “Tại sao không phải là người khác mà lại là bạn?” Và lúc này, ứng viên bị kẹp giữa nghi vấn về năng lực và cả thái độ. Song song đó, nhiều bạn nhận định rằng thị trường chỉ mới khôi phục lại trong thời gian gần đây, họ cần những ứng viên đã có kinh nghiệm ứng biến nhanh và linh hoạt trước mỗi biến cố. Và điều này chỉ phù hợp với các bạn ứng viên vừa mới nghỉ việc hoặc đang đi làm chứ không phải là các ứng viên đã thất nghiệp 2 – 3 tháng vừa qua.
Thất nghiệp càng lâu, deal lương phải càng thấp?
Thật ra, vốn không có một công thức nào liên quan đến chuyện thất nghiệp càng lâu thì deal lương phải càng thấp hay khó có cơ hội nghề nghiệp hơn các ứng viên khác. Tuy nhiên, chúng ta không phải lúc nào cũng may mắn có việc mới ngay khi thôi việc ở công ty cũ, thực tế đã chứng minh điều này rất rõ ràng. Hầu như, ai cũng đã từng trải qua cảm giác thất nghiệp từ vài tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào mục đích, định hướng hay năng lực riêng và cả sự may mắn của mỗi người.
Mức lương và cơ hội việc làm sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố năng lực, kinh nghiệm và cả việc bản thân ứng viên có phù hợp với văn hóa, tiêu chuẩn của công ty hay không. Như câu chuyện thu hút mạng xã hội cách đây một thời gian, về bạn ứng viên tài năng, kinh nghiệm dày dặn và tính cách cũng sắc sảo, sôi động nhưng lại không được chọn. Lý do chỉ đơn giản bởi vì bạn khá năng động và theo nhận định của nhà tuyển dụng thì như vậy sẽ không phù hợp tính chất với một công việc có xu hướng lặp đi lặp lại, nếu nhà tuyển dụng lựa chọn bạn thì khả năng tuyển dụng lại trong thời gian ngắn là rất cao. Và không một nhà tuyển dụng nào muốn như vậy!
Điều mà bạn cần lưu tâm nếu bạn là một ứng viên thất nghiệp đã lâu, bạn càng phải thể hiện sự tích cực của bản thân. Vì một nhà tuyển dụng giỏi hoàn toàn có thể nhận ra ngay điều này thông qua CV của ứng viên hoặc qua trao đổi phỏng vấn trực tiếp. Đừng vì áp lực tâm lý khiến bạn rụt rè, e dè và bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp về năng lực hay kinh nghiệm. Vấn đề deal lương hay cơ hội việc làm điều phụ thuộc lớn vào cách thể hiện của bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
Chiến lược deal lương khi thất nghiệp quá lâu!
Trung thực và thẳng thắn chia sẻ về lý do
Dù lí do khiến bạn thất nghiệp là khách quan hay chủ quan thì bạn cần một lời giải thích hợp lý về nó. Nên nhớ rằng bạn cần chia sẻ lý do một cách trung thực và thẳng thắn. Những lý do ngụy biện hoặc do bạn tạo ra để che giấu điều gì đó sẽ khiến nhà tuyển dụng dễ dàng phát giác ra và hoàn toàn có thể hoài nghi hơn về năng lực của bạn đấy.
Một vài lý do mà bạn có thể chia sẻ thẳng thắn như chăm sóc người thân bị bệnh hoặc bản thân gặp vấn đề về sức khỏe, di chuyển đến một thành phố khác để sinh sống và sau đó quay lại, tham gia một khóa học chuyên môn nào đó để nâng cao năng lực hoặc học cao học, dành thêm thời gian để nghỉ ngơi, đi du lịch, học tập ngoại ngữ, hoặc thực hiện một dự án cá nhân, tự kinh doanh hoặc làm các dự án tự do – freelancer… Khi bạn đã có lý do chính đáng cho mình, hãy giải thích với nhà tuyển dụng một cách rõ ràng nhưng ngắn gọn, súc tích và chỉ đề cập đến những sự kiện chính yếu. Đừng quên nhấn mạnh ưu điểm của bạn chính là bạn sẵn sàng làm việc ngay với một 100% năng lượng.
Bên cạnh đó, không có gì đáng xấu hổ nếu bạn bị cắt giảm trong đại dịch Covid-19 và sự nghiệp trở nên bấp bênh trong thời gian vừa qua. Vì chủ quan mà nói, một lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch thì công ty nào cũng sẽ bị ảnh hưởng, rất khó mà tìm kiếm cơ hội cho các vị trí chuyên môn tương đồng ở cùng thời điểm đó. Hơn nữa, không phải là bạn không thể học được gì sau khi trải qua lần cắt giảm và khủng hoảng về kinh tế như năm vừa qua, đúng không?
Làm cho thời gian thất nghiệp trở nên tích cực
Thất nghiệp thực tế không phải là điều gì mang tính chất tiêu cực và bạn hoàn toàn có thể biến nó trở nên tích cực trong mắt nhà tuyển dụng để khai thác cơ hội phỏng vấn hay deal lương cao thành công. Hãy luôn thể hiện bạn đang chọn lọc và mong muốn có được một công việc phù hợp để cống hiến năng lực trong khoảng thời gian lâu dài, chứ không phải vội vàng tìm một công việc bất kỳ nào đó để làm qua loa. Điều này thể hiện bạn là một người nghiêm túc, có mục đích và định hướng rõ ràng.
Đồng thời, bạn hãy cho nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn đã sử dụng khoảng thời gian đó hữu ích như thế nào cho bản thân và những người xung quanh. Nếu lý do bắt nguồn từ người xung quanh, bạn hãy chia sẻ về điều mình đã giúp đỡ được cho họ giá trị như thế nào. Còn nếu lý do bắt nguồn từ chính bạn, bạn chia sẻ về việc bản thân đã sử dụng quỹ thời gian đó để tạo nên điều hữu ích cho bản thân ra sao. Ví dụ kiến thức đã đầu tư thêm cho bản thân hay trải nghiệm có được sau hoạt động nào đó.
Tuy nhiên, khi kết thúc câu chuyện chia sẻ, bạn đừng quên cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn đã hoàn toàn sẵn sàng cho công việc mới như sức khỏe đã ổn định, người thân có người khác chăm sóc, khóa học đã hoàn tất…
Thất nghiệp là cụm từ thực tế không quá đáng sợ như nhiều người vẫn hay nghĩ, thậm chí còn lo lắng về việc hạn chế deal lương cao cho công việc mới. Quan trọng là cách bạn thể hiện như thế nào trong mắt nhà tuyển dụng để biến chúng thành cơ hội tìm kiếm nghề nghiệp và thương lượng lương quý giá. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thêm kinh nghiệm để quá trình tìm việc thành công và deal lương như ý muốn. Đừng từ bỏ việc nỗ lực cho tương lai của mình nhé!