NHỮNG ĐIỂM NHÀ TUYỂN DỤNG CÂN NHẮC TRƯỚC KHI LỰA CHỌN ỨNG VIÊN
NHỮNG ĐIỂM NHÀ TUYỂN DỤNG CÂN NHẮC TRƯỚC KHI LỰA CHỌN ỨNG VIÊN2022.06.21
Công tác tuyển dụng luôn là vấn đề đau đầu của Chuyên viên Nhân sự. Việc đánh giá ứng viên, tuyển dụng nhân sự phù hợp văn hóa doanh nghiệp, phù hợp với những tiêu chí đánh giá theo bản chân dung ứng viên. Xây dựng một tiêu chí để vẽ ra bản chân dung ứng viên, từ đó, công tác tuyển dụng sẽ bớt mất thời gian, bớt mất chi phí tuyển dụng của doanh nghiệp và ứng viên. Dưới đây là những chia sẻ về những điểm nhà tuyển dụng cân nhắc trước khi lựa chọn ứng viên.
Thái độ của ứng viên
Tiêu chí đầu tiên mà các nhà tuyển dụng cần chú ý hiện nay là phẩm chất, kỹ năng giao tiếp,…của ứng viên. Nếu như một ứng viên có thái độ làm việc thiếu tôn trọng thì họ khó có tính kỷ luật trong công việc.
Ví dụ như: Đến trễ giờ phỏng vấn mà không có lời giải thích hay xin lỗi, có những hành vi cư xử, giao tiếp thiếu tế nhị, thiếu tôn trọng đối với nhà tuyển dụng: Tự ý dừng cuộc phỏng vấn giữa chừng không lý do, trong buổi phỏng vấn nhóm nằm hoặc có tư thế ngồi ngả ngớn… Những hành động này đầu không được đánh giá cao.
Bởi ứng viên có phẩm chất và tính cách như vậy, khi đi làm họ sẽ không coi trọng kỷ luật của công ty, không tôn trọng sếp và đồng nghiệp. Dễ gây mất đoàn kết nội bộ trong công ty.
Đến sớm trước 10 phút hay đến đúng giờ là điểm cộng của ứng viên trong mắt các nhà tuyển dụng. Bởi hành động đó thể hiện cho sự chuyên nghiệp của họ, ngược lại một ứng viên trễ giờ cho thấy họ có sự thiếu sót trong sự chuẩn bị, thiếu trách nhiệm và tệ hơn nữa, họ không có khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn.
Ngoại hình của ứng viên
Không nhất thiết chọn người xinh đẹp, người đẹp trai. Ngoại hình ở đây là chỉ vẻ ngoài của ứng viên có được chỉn chu, gọn gàng hay không. Không một nhà tuyển dụng nào có đánh giá cao ứng viên có vẻ ngoài luộm thuộm. Trang phục, kiểu tóc và trang điểm (với phụ nữ) – những điểm cho thấy ứng viên là người như thế nào và họ có thực sự coi trọng buổi phỏng vấn này hay không.
Ngôn ngữ cơ thể cũng rất quan trọng. Nếu ứng viên là người chỉn chu và có thể tự tin giao tiếp bằng mắt, ngồi nghiêm chỉnh như vẫn cảm thấy thoải mái tự tin, đây cũng là một trong những đặc điểm cho thấy ứng viên rất quan tâm tới buổi phỏng vấn này.
Cách ứng viên trả lời các câu hỏi
Hầu hết, nhà tuyển dụng đều phải phỏng vấn nhiều ứng viên cho cùng một vị trí. Và đôi khi, họ sẽ phải hỏi đi hỏi lại một dạng câu hỏi với các ứng viên cùng ứng tuyển vào vị trí đó. Thông qua các câu trả lời cá nhân của mỗi ứng viên, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được tính cách và suy nghĩ của ứng viên. Dựa vào những tiêu chí về chân dung của ứng viên phù hợp với vị trí mà bạn tìm kiếm: nhạy bén, tinh tế, cầu tiến hay cẩn thận,…
Bên cạnh cách trả lời của ứng viên, nhà tuyển dụng còn có thể dựa vào giọng nói, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể của ứng viên được thể hiện ra ngoài như thế nào, để từ đó bạn có những hình dung về tính cách của ứng viên rõ ràng hơn.
Ví dụ như: đối với những câu hỏi liên quan tới điểm mạnh, điểm yếu của cá nhân, ứng viên có thể trả lời bằng nhiều cách khác nhau: họ có thể trả lời bằng cách kể lại các trải nghiệm cá nhân hoặc những đáp án chung chung. Bằng những cách trả lời đó của ứng viên, nhà tuyển dụng có thể hình dung được phần nào trong tính cách của họ như thế nào, để xem xét ứng viên có phù hợp với vị trí tuyển dụng hay không.
Năng lực làm việc
Ngoài những thông tin mà ứng viên ghi trên hồ sơ cá nhân ( bằng cấp, kinh nghiệm, thành tích), các nhà tuyển dụng còn cần tập trung vào câu hỏi mang về phương pháp làm việc hoặc sự tương tác, thích tìm tòi học hỏi những kiến thức mới của ứng viên hay không. Dựa vào đó, các nhà tuyển dụng có thể lựa chọn ra được những ứng viên sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong công việc, mong muốn được trau dồi, nâng cao năng lực làm việc.
Ngoài ra, nhà tuyển dụng có thể chú ý đến tính cách, khả năng tương tác và tinh thần làm việc nhóm của họ. Có khả năng làm việc độc lập là một khả năng tốt, nhưng trong một tập thể, cần có sự trao đổi, tương tác để hỗ trợ nhau hoàn thành công việc thì tinh thần đồng đội lúc này rất quan trọng và hữu ích. Vì thế, nếu ứng viên không có tinh thần làm việc nhóm hay sẵn sàng hợp tác với những đồng nghiệp khác, họ cũng có thể không phù hợp với công việc hoặc văn hóa công ty. Nếu như doanh nghiệp có một ứng viên có tinh thần làm việc nhóm thì họ dễ thích nghi được với công việc nhanh, và ít xảy ra những xung đột với những thành viên khác trong công ty hay trong phòng ban làm việc.
Ứng viên chủ động quan tâm tới vị trí ứng tuyển
Doanh nghiệp luôn thích tìm người có tính chủ động trong công việc. Vậy nên, nhà tuyển dụng cần quan sát ý chí quyết tâm của ứng viên trong suốt cuộc phỏng vấn. Hiện nay, việc tìm kiếm thông tin về công ty và công việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều, bởi sự phát triển của internet, chỉ cần gõ tên công ty, google sẽ trả cho chúng ta một loạt các kết quả về công ty. Ứng viên có tìm hiểu về công ty thông qua các cách này, họ có thể biết được phần nào mô hình hoạt động, văn hóa doanh nghiệp hay thậm chí các phòng ban trong công ty (thông qua fanpage tuyển dụng)
Chỉ khi có ý định làm việc lâu dài, họ mới yêu thích công việc và nơi mình làm việc, thì mới có thể thực hiện tốt các công việc được giao. Điều này còn thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được sự trung thành của ứng viên.
Định hướng tương lai
Những ứng viên có mục tiêu công việc tương lai thường tập trung, gắn bó với kế hoạch khi thực hiện công việc, bất chấp có những khó khăn xảy ra, họ vẫn kiên định theo kế hoạch đề ra của mình, họ sẽ luôn cố gắng chăm chỉ để đạt được kết quả như mong muốn, đáp ứng thời gian và chất lượng công việc.