Kỹ năng sắp xếp, quản lý công việc giúp bạn giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng, mang lại kết quả như mong đợi. Chính vì thế, nhà tuyển dụng và cấp trên luôn đánh giá cao ứng viên/ nhân sự có khả năng sắp xếp công việc khoa học. Nếu bạn chưa biết cách làm thế nào để có được giải pháp tốt nhất, 6 mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn.
Cùng một vị trí, cùng một công việc nhưng có người lại hoàn thành rất nhanh và xuất sắc nhiệm vụ được giao, có người lại luôn bị cấp trên phê bình vì những rắc rối không thể giải quyết khiến công việc bị đình trệ. Sắp xếp, quản lý công việc chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa mọi người với nhau. Nếu bạn biết cách quản lý công việc, sắp xếp công việc một cách khoa học thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Ngoài ra, phần mềm quản lý công việc cũng là cách để bạn kiểm soát được quỹ thời gian của mình
I/ Kỹ năng sắp xếp công việc là gì?
Hiểu một cách dễ hiểu, kỹ năng sắp xếp công việc là quá trình xác định các nhiệm vụ cần hoàn thành, sau đó phân chia thời gian thực hiện một cách hợp lý. Đối với người đi làm, đây là một kỹ năng quan trọng, thể hiện trách nhiệm và năng lực của mỗi cá nhân nhân viên.
II/ Cách sắp xếp công việc hiệu quả, khoa học
1, Lên danh sách những việc cần làm
Dù tự tin bản thân là người có trí nhớ tốt đến thế nào chăng nữa, bạn cũng nên lập ra danh sách các việc cần làm, đây là cách quản lý công việc hàng ngày hiệu quả. Điều này giúp bạn kiểm soát được công việc của mình theo từng mốc thời gian để dễ quản lý và điều chỉnh hơn. Đừng để đến lúc bắt tay vào việc, lỡ quên chuyện này rồi kéo theo chuyện khác cũng không làm, đến lúc đó mọi thứ sẽ rối như tơ vò khiến bạn đau đầu không biết cách để giải quyết sao cho trọn vẹn.
Lên danh sách những việc cần làm giúp bạn không bỏ sót nhiệm vụ nào – Ảnh: Internet
2, Ghi chú vào những nơi dễ nhìn thấy
Điều tiếp theo mà bạn nên làm để sắp xếp công việc hiệu quả hơn sau khi đã có danh sách công việc là ghi chú những việc sẽ làm vào trong lịch hoặc giấy ghi nhớ dán vào nơi làm việc. Bạn cũng có thể tải các phần mềm nhắc nhở trên máy tính để đảm bảo rằng mình sẽ không bao giờ bỏ sót công việc. Sau khi hoàn thành một hạng mục hay công việc nào đó, bạn nên đánh dấu lại để phân biệt với những công việc chưa thực hiện.
3, Không mất tập trung trong khi làm việc
Thời gian làm việc của người này có thể ít hơn người khác nhưng lại hoàn thành công việc nhanh hơn và tốt hơn phần lớn là vì họ không bị xao nhãng. Tập trung làm việc giúp khả năng tư duy của bạn phát huy một cách tối đa và từ đó, mọi thứ cần làm sẽ được giải quyết sớm hơn.
4, Nghỉ ngơi ngắn sau khi hoàn thành công việc
Dù chỉ 15 – 20 phút, bạn cũng nên cho mình một khoảng thời gian để nghỉ ngơi sau khi kết thúc một hạng mục công việc và trước khi bắt đầu cho việc làm tiếp theo. Thời gian ngắn mà quý giá này sẽ giúp cho tinh thần bạn được sảng khoái hơn, cơ thể được nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng đã mất.
5, Thường xuyên kiểm tra lại tiến độ hoàn thành công việc
Bạn lập danh sách những việc cần làm là để quản lý công việc tốt hơn, nên hãy thường xuyên kiểm tra. Chuyện này không làm bạn mất quá nhiều thời gian nhưng lại giúp bạn kiểm soát tất cả các việc cần làm và đánh giá mức độ hiệu quả cho tới thời điểm hiện tại, để nếu có thay đổi thì bạn cũng đưa ra sự điều chỉnh phù hợp hơn.
6, Chăm sóc tốt cho sức khỏe
Dường như yếu tố cuối cùng không mật thiết lắm so với 5 yếu tố trên nhưng lại có tác động quan trọng giúp bạn sắp xếp, quản lý công việc hiệu quả. Vì sao ư? Vì có sức khỏe bạn mới có thể hoàn thành tốt công việc được. Bạn nên thường xuyên tập thể dục để rèn luyện cơ thể lẫn tinh thần, đây cũng là phương pháp giúp bạn giảm stress trong công việc đấy.
Sắp xếp, quản lý công việc là một kỹ năng không thể thiếu với bất kỳ ai, nhất là đối với những người đang và sẽ làm việc trong ngành dịch vụ Nhà hàng – Khách sạn – Ẩm thực (F&B). Làm việc trong môi trường này, bạn sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, đồng nghiệp ở nhiều bộ phận khác nhau nhằm phố hợp mang lại dịch vụ chất lượng nhất.