Headhunter là gì?
Dịch vụ headhunter là gì? Headhunter được dịch sang tiếng Việt nghĩa là “săn đầu người”. Nghề này còn được gọi bằng những cái tên như: Chuyên viên tuyển dụng cấp cao, người đi săn “chất xám”. Đây là dịch vụ tuyển dụng được cung cấp bởi bên thứ ba cho tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm nhân sự, đặc biệt là ở các vị trí cấp cao.
Nói cách khác, headhunter đóng vai trò là "cầu nối" giữa nhân tài và doanh nghiệp khi mang đến tiêu chuẩn, tiến hành kiểm tra năng lực nhằm đem về nguồn tuyển dụng đảm bảo cho nhu cầu của doanh nghiệp. Từ đó, nhân tài và doanh nghiệp dễ dàng tìm thấy nhau trong thời gian ngắn và nhanh nhất.
Mô tả công việc của headhunter
Headhunter làm nhiệm vụ săn lùng “chất xám” và giới thiệu cho công ty cần. Mỗi “thợ săn” có cách làm việc khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung dưới đây:
Lập kế hoạch maketing, tìm kiếm khách hàng
Ở nhiều doanh nghiệp, headhunter hoạt động như một bộ phận độc lập chuyên về dịch vụ chiêu mộ nhân tài. Họ là người xây dựng các kế hoạch marketing online, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, dịch vụ tuyển dụng nhân lực cấp cao nhằm thu hút doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Khách hàng của headhunter chính là các bộ phận tuyển dụng của doanh nghiệp và ứng viên có nhu cầu ứng tuyển ở vị trí cấp cao hay đặc thù. Qua đó, đơn vị headhunt có thêm “đơn đặt hàng” từ nhà tuyển dụng và số lượng lớn các ứng viên.
Xử lý đơn đặt hàng của doanh nghiệp
Sau khi tiếp nhận những yêu cầu về ứng viên của khách hàng doanh nghiệp (vị trí tuyển dụng, mô tả công việc, số lượng ứng viên…), headhunter có trách nhiệm tổng hợp lại các mong muốn, quy chuẩn quyền lợi về vị trí tuyển dụng. Tiếp đến, headhunter sẽ tiến hành xây dựng tin tuyển dụng nhằm thu hút sát nhất các nhân lực, giải quyết bài toán doanh nghiệp đưa ra.
Các headhunter cũng sẽ thương thảo mức giá cho việc săn lùng “chất xám”, tức là xác định lợi ích thực tế có thể nhận được. Qua đó, nghĩa vụ tương ứng sẽ được tiến hành một cách hiệu quả nhất.
Tổng hợp thông tin, sàng lọc hồ sơ
Đây chính là nhiệm vụ chính của headhunter. Sau khi nhận đủ số lượng, headhunter sẽ trực tiếp sàng lọc những hồ sơ ứng viên đạt yêu cầu. Các mục như trình độ học vấn, kinh nghiệm,… phải được làm đúng theo mong muốn của khách hàng doanh nghiệp. Những bộ hồ sơ đạt chuẩn sẽ nhanh chóng được hẹn lịch phỏng vấn trực tiếp.
Phỏng vấn ứng viên và liên hệ với khách hàng
Headhunter chính là người trực tiếp tiến hành phỏng vấn ứng viên để chọn lọc ra những "chất xám" phù hợp nhất với nhu cầu của doanh nghiệp. Nếu ứng viên đạt đủ các đánh giá, headhunter sẽ sớm thông báo với doanh nghiệp khách hàng. Lúc này, nhà tuyển dụng sẽ hẹn lịch phỏng vấn trực tiếp với các ứng viên được cung cấp theo đúng quy trình tuyển dụng của tổ chức.
Khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng về dịch vụ
Công việc của người săn lùng “chất xám” chưa dừng lại ở đó. Sau khi ứng viên trúng tuyển, headhunter vẫn tiếp tục theo dõi, khảo sát về chất lượng làm việc, thái độ của ứng viên tại công ty, hay tư vấn các thông tin về doanh nghiệp cho ứng viên.
Quy trình tuyển dụng của một headhunter thường kéo dài từ 5- 6 tuần. Với tiêu chí tìm ra các ứng viên chất lượng nhất, nghề săn đầu người chính là “cánh tay phải” đắc lực, được quan tâm hàng đầu trong doanh nghiệp hiện nay.
Nghề săn đầu người có vất vả hay không?
Thách thức đặt ra của nghề Headhunter
Báo cáo thị trường tuyển dụng năm 2021 của TopCV chỉ ra, nhân viên nhiều kinh nghiệm là đối tượng mà 71,3% doanh nghiệp mong muốn tuyển dụng trong năm 2022. Công tác tuyển dụng của các công ty vì thế gặp khó khăn, kéo theo dịch vụ nhân sự cấp cao trở nên vất vả hơn khi phải gồng mình đáp ứng nhu cầu nhân sự ngày càng cao đến từ doanh nghiệp.
"Thái độ" khách hàng doanh nghiệp
Không phải khách hàng doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng hợp tác, thái độ ôn hòa với headhunter. Nhiều khách hàng đổi lịch phỏng vấn liên tục khiến các headhunt phải "căng" mình sắp xếp lại lịch hẹn phỏng vấn. Trong khi đó, các ứng viên cấp cao cũng khá bận rộn, không phải là người ngồi chờ để gọi là đi.
Cũng có trường hợp khách hàng doanh nghiệp không thích ứng viên. Hệ quả là ứng viên vào làm vài ngày đã bỏ việc khiến headhunter phải tìm ứng viên lại từ đầu. Thậm chí có khách hàng doanh nghiệp bỗng ngừng tuyển không có lý do hoặc thay đổi yêu cầu đột ngột khiến headhunter “đau đầu” xử lý.
Ứng viên bỏ rơi
Nhiều headhunter còn phải đối mặt với các tình huống oái oăm đến từ ứng viên. Nhiều người chỉ ứng tuyển cho vui, hủy lịch phỏng vấn vào phút chót, từ chối offer không rõ nguyên nhân, biến mất trong ngày nhận việc… Việc bị ứng viên bỏ rơi chính là sự thật tàn nhẫn khiến các headhunter thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần.
Quá trình trao đổi, ký kết hợp đồng thiếu minh bạch
Các headhunt còn gặp nhiều khó khăn trong quy trình làm việc và ký kết hợp đồng. Việc khách hàng doanh nghiệp đòi gặp ứng viên trước mới chịu ký hợp đồng khiến họ gặp rủi ro cao. Bởi lúc này, doanh nghiệp có thể gạt bỏ họ để trao đổi trực tiếp với ứng viên hoặc không chịu thanh toán.
Thông tin tuyển dụng thiếu sự rõ ràng
Có 3 yếu tố khiến người tìm việc quyết định gửi CV ứng tuyển đó là môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ và cơ hội nghề nghiệp. Thế nhưng, một số khách hàng doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ headhunter lại có xu hướng muốn "đánh bóng" thương hiệu tổ chức của mình.
Vì thế, họ hạn chế cung cấp thông tin về các yếu tố trên hoặc chia sẻ không đúng sự thật. Điều này khiến headhunter gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ứng viên phù hợp. Đồng thời còn gây lãng phí thời gian cho khách hàng doanh nghiệp và chính các headhunter.
Danh tiếng của khách hàng doanh nghiệp
Một khó khăn khác mà người làm dịch vụ nhân sự cấp cao phải chấp nhận, đó là danh tiếng của công ty khách hàng trong việc tìm kiếm ứng viên. Thực tế, nhiều công ty có giấy phép kinh doanh hợp pháp nhưng lại “mang tiếng” hoạt động dưới mô hình đa cấp. Bởi thế, nhiều ứng viên tiềm năng e ngại, dễ từ chối lời mời làm việc của headhunter.
Phải chạy target
Làm nghề săn đầu người cũng như giống như nhân viên kinh doanh khi thường xuyên phải chạy target theo ngày, tuần, tháng. Mỗi công ty sẽ có target khác nhau. Ngoài chạy target, headhunter còn phải hoàn thành các KPI như số CV gửi đi, số buổi phỏng vấn, số lần gặp khách hàng khiến cho công việc này chịu áp lớn về mặt thời gian và chất lượng hoàn thành chỉ tiêu.
Bí quyết để trở thành Headhunter
Am hiểu nhiều lĩnh vực, ngành nghề
Một headhunter không chỉ tuyển dụng cho một công ty mà còn làm việc với nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Chính vì thế, những người làm dịch vụ headhunt cần có kiến thức đa dạng ở các ngành nghề để dễ dàng sàng lọc, tuyển dụng và giao tiếp với ứng viên. Qua đó, headhunter sẽ tiết kiệm thời gian, dễ dàng tìm kiếm được ứng viên chất lượng.
Thấu hiểu ứng viên và doanh nghiệp
Các headhunter đóng vai trò như người "mai mối", kết nối nhân tài với doanh nghiệp. Thế nên họ cần phải hiểu rõ yêu cầu, hoàn cảnh hiện tại của doanh nghiệp để tìm ra ứng viên đáp ứng các yêu cầu đó. Bên cạnh đó, headhunter cũng phải nắm rõ nguyện vọng, năng lực thực sự của ứng viên để đánh giá họ có hay không là “mảnh ghép” hoàn hảo cho vị trí mà doanh nghiệp khách hàng đang tìm kiếm.
Giỏi nắm bắt tâm lý và thuyết phục
Để thành công với nghề săn đầu người cần giỏi nắm bắt tâm lý, có khả năng thuyết phục để hiểu rõ vướng mắc hay những điều mà ứng viên đang tìm kiếm. Điều này sẽ giúp headhunter có thể dễ dàng thuyết phục các ứng viên xuất sắc đồng ý đến làm việc cho doanh nghiệp khách hàng.
Chịu đựng áp lực tốt về mặt tâm lý
Nghề săn đầu người là công việc cực kỳ khó khăn, vất vả. Trong quá trình làm việc nhiều tình huống oái oăm xảy ra buộc các headhunter phải bình tĩnh giải quyết. Họ phải có khả năng chịu được áp lực, khôn khéo trong việc đàm phán với các bên liên quan để vấn để được giải quyết.
Mức lương của nghề headhunter
Săn đầu người là nghề vất vả cùng không ít các thử thách nên thu nhập cũng ở mức khá cao. Mức lương cho một headhunter trong một doanh nghiệp săn đầu người uy tín được tính theo quá trình làm việc và số năm kinh nghiệm.
- Dưới 1 năm kinh nghiệm, mức lương của headhunter trong khoảng từ 7 - 10 triệu/tháng.
- Từ 1 - 3 năm kinh nghiệm, mức lương của headhunter trong khoảng 10 – 17 triệu/tháng.
- Trên 3 năm kinh nghiệm, mức lương của headhunter có thể từ 1000$/tháng trở lên.
Các công ty săn đầu người có quyền nhận hoa hồng bán hàng bằng 10 - 20% tổng giá trị khách hàng trả cho công ty chủ quản. Chi phí này thường rơi vào khoảng 2-5 tháng lương.