ĐỪNG KHIẾN BẢN THÂN TRỞ THÀNH "ZOMBIE" TRONG CÔNG SỞ2019.11.22

  • Hội chứng zombie công sở là ám chỉ những nhân viên đi làm thể xác ở công ty nhưng tâm hồn thì không ở đó. Họ không nỗ lực, không gắn kết lâu dài nhưng cũng không chịu nghỉ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lao động và văn hóa hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.
 
  • “Zombie công sở” thật hay ảo?
 
  • Anphabe – nhà tư vấn thương hiệu tuyển dụng và môi trường làm việc hàng đầu tại Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát về hội chứng zombie công sở. Theo đó, trong số hơn 26.000 cán bộ nhân viên hiện đang làm việc trong các tổ chức tại Việt Nam, chỉ có 13,8% rất gắn kết với công ty, 46,9% gắn kết, còn lại 39% không gắn kết, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết. Đáng chú ý, trong số 39% nhân sự thờ ơ có tới 67% trong số đó cho biết sẽ bám trụ lại công ty. Họ là những người đi làm nhưng không nỗ lực làm việc, không có ý định thay đổi công việc, chính điều này sẽ “hạ gục” những nhân viên khác bằng thái độ và hành vi tiêu cực.
 
  • Zombie công sở luôn tồn tại trong mỗi người, do “khuẩn Z” gây nên. Trong cơ thể chúng ta đều có sự hiện diện của “khuẩn Z”. Ở điều kiện bình thường, nó khá im lìm, yếu ớt. Tuy nhiên, nếu gặp môi trường thuận lợi, “khuẩn Z” sẽ sinh sôi nhanh chóng. Tới một mức độ nhất định, nhân viên sẽ có dấu hiệu rõ ràng của hội chứng Zombie. Đáng báo động hơn, nhóm đối tượng mắc hội chứng zombie công sở chủ yếu là các bạn trẻ nằm trong độ tuổi từ 19 đến 31.
 
  • Môi trường thuận lợi được đề cập trong trường hợp này đến từ cả hai phía, nhân sự do không đủ sức khỏe, cả sức khỏe thể chất hoặc tinh thần và môi trường làm việc khi họ cảm thấy không hài lòng hoặc không được hỗ trợ đầy đủ về các phương diện của môi trường làm việc hạnh phúc.
 
  • Các kiểu zombie công sở
 
  • Theo Anphabe hội chứng Zombie công sở được chia làm 7 kiểu:
 
  • Look like busy: Luôn tỏ vẻ bận rộn, nhưng toàn làm những việc ít quan trọng.
 
  • Mr Right: Lúc nào cũng “đúng” vì luôn có lý do (ngoài bản thân) để biện hộ/đổ lỗi cho kết quả chưa như ý.
 
  • Mrs Know it all: Không chịu lắng nghe và học hỏi vì cho rằng, mình “biết tuốt” và “đã quá giỏi cho công việc”.
 
  • Yes Employee: Luôn nói “có” với các yêu cầu từ sếp mà thực chất không hiểu, không quan tâm, không cần hỏi “tại sao, để làm gì?”.
 
  • No boss: Âm thầm “không” phát triển và “không” sẵn sàng chia sẻ thông tin, cơ hội để giúp người khác thành công.
 
  • Silent resistor: Trong ngoài bất nhất. Ngoài mặt thì ủng hộ, nhưng trong lòng thì kháng cự.
 
  • Lip service: Nói hay hơn làm, chọn KPI đại khái và thường đem lại kết quả không rõ ràng.
 
  • Phương pháp điều trị “Zombie công sở”
 
  • Tái gắn kết Zombie, tối đa khả năng thực sự của nhân viên và giảm thiểu thất thoát đáng tiếc là mục tiêu của các lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là người phụ trách nhân sự. Những người quản lý đến phụ trách nhân sự đều sử dụng liều thuốc từ trái tim đến trái tim.
 
  • Ông Lê Quý Đôn, Giám đốc nhân sự cấp cao, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam cho rằng: KPI có thể đánh giá mức độ hoàn thành của nhân viên, nhưng họ chỉ thực sự có trách nhiệm khi xem công ty như một gia đình.
 
  • Nếu đi đến được trái tim của nhân viên, thì họ sẽ làm việc bằng cả trái tim, chứ không chỉ từ khối óc. Để chạm đến được trái tim người khác thì mọi hành động phải xuất phát từ trái tim của mình. Chúng tôi xác định, khi nhân viên bày tỏ nhu cầu, thì lắng nghe, cân nhắc đáp ứng yêu cầu dựa trên thực tế. Trong những hoạt động tập thể, gia đình của nhân viên được tham gia để tăng thêm sự gắn kết”, ông Đôn chia sẻ.
 
  • Kết quả khảo sát năm 2016 của Heineken cho thấy, chỉ số gắn kết người lao động tại Heineken Việt Nam đạt 87% (cao hơn mức 9% tiêu chuẩn của Tập đoàn và cao hơn chỉ số các công ty khác 16%); chỉ số hiệu suất đạt 86%, trong khi Heineken toàn cầu chỉ đạt 78%.
 
  • Điều trị mà không được thì chia tay
 
  • Nếu bài thuốc “Từ trái tim đến trái tim” không mang lại hiệu quả, hãy “thay đổi chiến tuyến”. Tức là, chuyển nhân viên Zombie sang một chiến tuyến mới – một vị trí thử thách hơn, khó khăn hơn nhưng không thay đổi thu nhập. Khi thêm việc mà không thêm lương, khả năng cao nhân viên Zombie sẽ tự quyết định nghỉ việc. Trong trường hợp tích cực hơn, biện pháp mạnh này có thể lại là giải pháp để nhân viên có động lực làm việc tốt trở lại.
 
  • Sau hai cách trên, zombie công sở vẫn tiếp tục hoành hành thì buộc lòng công ty phải nói lời chia tay bằng cách sa thải. Người quản lý trực tiếp và bộ phận nhân sự sẽ trao đổi thẳng thắn với nhân viên về quyết định chia tay, hỗ trợ họ tìm được một công việc phù hợp hơn hoặc đề xuất khoản phụ cấp thôi việc theo quy định của Luật Lao động.
 
  • <Nguồn: Internet>