Vấn đề đầu tiên các bạn cần phải làm đó chính là tìm một chỗ ở ổn định và hợp lý. Thật khó khăn cho việc học của bạn nếu liên tục phải chuyển trọ, hay chỗ ở không được yên tĩnh, an ninh không đảm bảo và quá phức tạp. Để đáp ứng được yêu cầu đó thì ở ký túc xá là lựa chọn phù hợp vì ở đây khá an toàn. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn gò bó và thích sống chung với những người bạn thân thì không nên ở ký túc xá vì nếu ở đây bạn sẽ bị phụ thuộc thời gian, không được nấu ăn và sống trong môi trường tập thể phức tạp.
Để chọn một chỗ trọ hợp lý bạn nên dành thời gian vài ngày để đến trực tiếp khu vực muốn ở và xem phòng, nên chọn những phòng gần trường, an ninh đảm bảo. Khi chọn được phòng rồi, nếu muốn thêm bạn ở chung để chia tiền phòng thì bạn nên tìm những người phù hợp, có thể là người quen từ trước cho yên tâm, còn nếu tuyển thêm người khác để ở ghép thì cũng phải chọn lựa kỹ càng, nên chọn những bạn chung trường, chung khóa để có thể sắp xếp thời gian hợp lý và dễ dàng chung sống hơn vì mỗi trường sinh viên có cách sống khác nhau. Khi tìm trọ, nên tránh những khu trọ tập trung nhiều thành phần phức tạp vì như vậy sẽ nảy sinh nhiều vấn đề ngoài kiểm soát.
2. Lên một thời gian biểu phù hợp
Khi đã là sinh viên, các bạn phải tập cuộc sống độc lập, sẽ chẳng có bố mẹ bên cạnh nhắc nhở bạn thời gian thức dậy, lên lớp mà bạn phải tự lo tất cả. Chính vì vậy, bạn phải lập một thời gian biểu phù hợp và thực hiện theo đúng những gì mình đã lập ra. Để có một thời gian biểu phù hợp trước tiên bạn phải nắm được lịch học của bản thân, học chính khóa hay học thêm đều phải ghi rõ ràng, không để tình trạng chồng lịch học, như vậy sẽ rất bất tiện.
Ngoài những thời gian học chính ra, bạn có thể dành một khoảng thời gian để đi thư viện, nghiên cứu thêm. Việc học là vô cùng quan trọng nhưng bên cạnh đó vui chơi, giải trí cũng quan trọng không kém. Mỗi tuần bạn nên sắp xếp một khoảng thời gian vui chơi cùng bạn bè, hay tự mình đi khám phá những điều mới mẻ của thành phố mới.
3. Có một kế hoạch chi tiêu cho bản thân mình
Đi học là việc quan trọng, gia đình luôn tạo điều kiện tốt nhất cho chúng ta học tập. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi gia đình đều có điều kiện để trang trải thoải mái cho việc học cũng như chi tiêu của bạn. Hơn nữa, nếu không có một kế hoạch chi tiêu hợp lý thì rất hoang phí, đặc biệt đối với các bạn sinh viên năm nhất chưa có kinh nghiệm cũng như chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chi tiêu dẫn đến phí phạm những khoản tiền mà bố mẹ bạn dành dụm cho bạn đi học.
Tốt nhất, các bạn nên thống nhất với bố mẹ về số tiền mà bạn sẽ dùng trong một tháng, từ đó bạn sẽ chủ động lên kế hoạch chi tiêu cho hợp lý. Tránh tình trạng, dùng hết thì xin bố mẹ, như vậy bạn không biết mình tiêu bao nhiêu tiền, vào những công việc gì dẫn đến lãng phí.
4. Tham gia các câu lạc bộ
Đây là một việc rất cần thiết cho bạn, khi tham gia vào các câu lạc bộ bạn có thể biết thêm nhiều bạn mới, học được các kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, hoạt động xã hội,... đó là những kỹ năng rất cần thiết cho các bạn sau này. Đồng thời khi tham gia vào các câu lạc bộ bạn sẽ thấy mình năng động hơn, làm được nhiều việc có ích hơn và phát huy được hết những khả năng của mình.
Hiện nay ở tất các các trường đều có các câu lạc bộ cho bạn lựa chọn, tuy nhiên cũng có một số bạn gặp phải khó khăn khi tham gia vào câu lạc bộ do không đáp ứng yêu cầu của câu lạc bộ, nhưng bạn không nên bỏ cuộc, hãy tự hoàn thiện bản thân cho phù hợp và đăng ký tiếp, chắc chắn bạn sẽ thành công và chọn được một câu lạc bộ yêu thích.
5. Vượt qua nỗi nhớ nhà
Đối với những bạn ở xa gia đình thì nỗi nhớ nhà là điều không thể tránh khỏi. Xa gia đình, không được bố mẹ bên cạnh vỗ về nữa bạn phải học cách chấp nhận để học tập tốt, không nên để nỗi nhớ nhà ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt. Hàng ngày bạn có thể dành thời gian gọi điện về nhà hỏi thăm những người thân yêu nhất để mọi người yên tâm về bạn. Sau một thời gian, bạn sẽ quen với cảm giác này và xem nó như là một động lực để bạn cố gắng trong tương lai.
6. Vấn đề làm thêm
Làm thêm là một nhu cầu phổ biến của các bạn sinh viên. Đối với các bạn sinh viên năm nhất, trước khi đi làm thêm bạn hãy cân nhắc trước. Việc học của bạn là trên hết, không được để việc làm thêm ảnh hưởng đến học tập. Hãy để bạn ổn định rồi mới tính đến việc làm thêm.
Đồng thời, hiện nay việc làm thêm rất đa dạng, có nhiều trang mạng đăng tin tuyển nhân viên, đánh vào tâm lý của sinh viên năm nhất, nhiều nơi lừa đảo vì vậy các bạn phải hết sức chú ý. Có thể nhờ người quen tìm việc giúp hoặc cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn việc làm thêm. Một số công việc phổ biến bạn có thể lựa chọn như: gia sư, cộng tác viên, phục vụ, bán hàng online,...Những bạn có khả năng sư phạm thì có thể làm gia sư vì tính chất ổn định, nếu đam mê kinh doanh bạn có thể mở một cửa hàng bán online theo sở thích.
7. Biết cách giữ gìn sức khỏe và chăm sóc tốt bản thân
Càng tự lập bạn càng phải biết chăm lo cho bản thân, sức khỏe là quan trọng hơn cả. Học tập xa nhà không được chăm sóc ân cần từ cha mẹ nhưng không vì thế mà bỏ bê bản thân mà hãy biết tự chăm sóc, có kế hoạch ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý vì nếu bệnh tật ghé thăm bạn thì không hay chút nào, vừa ảnh hưởng đến học tập, công việc vừa làm cho gia đình thêm lo lắng. Nên nhớ sức khỏe là của bạn nên hãy tự biết cách bảo vệ sức khỏe của mình.
Hàng ngày, bạn nên dậy sớm một chút để tập thể dục, thể thao tăng cường sức khỏe, sau đó ghé qua chợ hay siêu thị mua một chút thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng, không nên vì tiết kiệm mà cắt giảm chi phí cho ăn uống vì có sức khỏe thì chúng ta mới có thể làm được những công việc khác to lớn hơn.
8. Tập trung vào việc học, không để rớt môn
Việc học vô cùng quan trọng vì vậy không được bỏ bê dù là vì lý do gì. Bước vào giảng đường đại học, cao đẳng thì cách học hoàn toàn khác so với thời học sinh. Là sinh viên, bạn phải tự học, tự nghiên cứu là chính, thầy cô chỉ hướng dẫn, định hướng cho bạn vì thế nếu không tập trung học thì khả năng rất lớn là bạn sẽ bị rớt môn.
Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ rằng "Sinh viên ai mà chẳng rớt môn" nhưng thật sự việc rớt môn ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình học tập của bạn, bạn sẽ mất thời gian học lại môn cũ trong khi môn mới bạn chưa học xong dẫn đến rớt môn liên tục, hơn nữa khi bạn rớt môn bạn cũng sẽ phải đóng một khoản tiền cho việc học và thi lại. Do đó, hãy tập trung vào các môn học, hạn chế việc rớt môn và thi lại.
9. Làm quen với nhiều bạn mới
Kết bạn là một nhu cầu không thể thiếu đặc biệt là khi chuyển đến một môi trường mới. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể dễ dàng kết bạn vì mỗi người có một tính cách khác nhau và không phải bạn nào cũng tốt nên bạn hãy "lựa bạn mà chơi". Lựa bạn ở đây không phải là chọn lựa vì mục đích cá nhân mà hãy chọn những người bạn phù hợp với bản thân mình, những người tốt với bạn và bạn có thể học hỏi nhiều thứ ở người ta.
Càng quen nhiều bạn chúng ta sẽ học được nhiều thứ ở họ và cũng ảnh hưởng bởi họ rất là nhiều vì thế hãy biết cách chọn lựa. Ở một nơi xa lạ có những người bạn tốt thì đó là điều may mắn đối với bạn.
10.Tham gia các buổi Workshop
Workshop là hoạt động trao đổi, thảo luận về một chủ đề thuộc lĩnh vực nhất định nào đó. Những người tham gia buổi thảo luận này sẽ có thêm cơ hội được thêm kiến thức, kĩ năng hay chia sẻ những điều mình biết với mọi người tham gia. Không có một sự giới hạn nhất định nào đối với số lượng những người tham gia workshop. Quy mô của một buổi workshop sẽ tùy thuộc vào đơn vị tổ chức có kinh phí và khả năng đến đâu. Không gian tổ chức không theo bất kì quy chuẩn nào, chỉ cần có thể tạo sự thoải mái, rộng rãi.
Đến workshop sinh viên sẽ được tiếp cận với kiến thức của lĩnh vực bạn chú ý. Những kiến thức này không mang tính sách vở lý thuyết mà thường có tính thực tế cao, do được chia sẻ bởi những diễn giả có trải nghiệm và có những thành công chắc chắn.
Sinh sống và học tập ở một môi trường mới là một thử thách không nhỏ đối với các bạn sinh viên năm nhất. Những kinh nghiệm trên đây là những gì tích lũy được khi trải qua một năm với nhiều biến động của quãng đời sinh viên, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn.