Sự chậm trễ giờ giấc làm việc của nhân viên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của công ty. Là Quản lý trực tiếp, bạn đã có cách xử lý nhân viên đi làm muộn “hợp tình, hợp lý”? Cùng tìm hiểu phương pháp quản lý dành cho những nhân sự thường xuyên lặp lại tình trạng này nhé.
Môi trường lao động không ngừng hướng đến sự chuyên nghiệp, tốc độ, đòi hỏi nhân sự tuân thủ giờ giấc, đặc biệt là giờ làm việc hành chính. Tuy nhiên, chắc chắn tình trạng nhân viên đi làm muộn vẫn sẽ xảy ra, buộc nhà Quản lý cần có hình thức giải quyết triệt để. Dưới đây là một số cách xử lý nhân viên đi làm muộn mà các Quản lý có thể áp dụng tùy vào từng trường hợp.
Lắng nghe và cảm thông
Trước hết, sự lắng nghe và cảm thông là “chìa khóa” để cấp trên “lấy lòng” nhân viên. Ở một số hoàn cảnh, việc tìm hiểu và xử lý mềm mỏng mới “thu phục” được “lòng dân”. Những góc nhìn ở khía cạnh “con người” còn thể hiện sự quan tâm của cấp trên, phù hợp với tác động ngoại cảnh như tắc đường, hư xe… Khi biết được nhân tố hoàn cảnh dẫn đến việc đi muộn của nhân viên, cấp Quản lý sẽ có hướng xử lý ổn thỏa, bớt áp lực mà vẫn chấn chỉnh kịp thời nề nếp của công ty.
Sử dụng máy chấm công
Việc áp dụng công nghệ hiện đại khiến quy trình được tối ưu chính xác và nhanh chóng hơn. Đối với các doanh nghiệp cần sự tôn trọng giờ giấc, kỷ luật và đảm bảo tiến độ công việc, máy chấm công là giải pháp giúp cấp trên kiểm tra, theo dõi, lưu trữ thời gian check-in, check-out của nhân viên. Đây cũng là cơ sở làm việc cho bộ phận nhân sự, kế toán khi tính toán lương, thưởng cho nhân viên.
Thảo luận trong cuộc họp
Số nhân viên đi làm muộn thường không nhiều, doanh nghiệp có thể áp dụng biện pháp nhắc nhở ở lần đầu. Nếu nặng hơn, cấp Quản lý có thể cảnh cáo, phê bình, sử dụng hình thức kỷ luật theo quy định chung của công ty. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ nhân viên đi làm muộn ở công ty bạn lên đến khoảng 30%, các cấp lãnh đạo cần họp bàn để tìm ra nguyên nhân, điều chỉnh khung giờ hợp lý.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực thiết kế, đồ họa, hoặc chuyên ngành kỹ thuật, xây dựng cần di chuyển nhiều có thể linh động về mặt thời gian, thay vào đó là tăng ca, làm thêm để kịp tiến độ dự án. Mặt khác, dựa vào tính chất công việc của từng phòng ban, bộ phận với các đặc thù riêng mà doanh nghiệp cân nhắc xác đáng về mặt giờ giấc, đảm bảo chất lượng công việc.
Khen thưởng, kỷ luật phù hợp
Con người là nguồn lực chính trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, buộc lãnh đạo cần “bảo toàn” nhân lực bằng cách điều chỉnh cân bằng giữa thụ hưởng và cống hiến. Những nhân sự luôn tuân thủ giờ giấc và đạt thành tích tốt cần được khen thưởng xứng đáng. Như vậy, hiệu ứng tích cực lan tỏa trong môi trường làm việc, xây dựng văn hóa phấn đấu, kỷ luật trong tổ chức. Một tập thể tồn tại những nhân sự luôn sẵn sàng cố gắng, vững vàng, tuân thủ quy định thì chắc chắn sẽ chiếm lợi thế trên thị trường đầy cạnh tranh này.
Cách xử lý nhân viên đi làm muộn cũng là “nghệ thuật quản lý” mà các cấp lãnh đạo cần cân nhắc áp dụng để duy trì sự phát triển bền vững. Quy trình thực hiện cần được phối hợp giữa nhân viên và cấp trên, tôn trọng tính kỷ luật và kịp thời tìm ra giải pháp khắc phục. Sai lầm là không tránh khỏi, quan trọng là bạn biết cách để sai lầm không tái phạm.