Tìm kiếm được ứng viên phù hợp với vị trí cần tuyển là việc không hề dễ dàng. Để tìm được ứng viên đáp ứng được trình độ chuyên môn cũng như phù hợp với văn hoá công ty, nhà tuyển dụng phải thực hiện vòng
phỏng vấn sàng lọc trước tiên.
Vậy có các phương pháp sàng lọc ứng viên nào?
I. Tổng quan về phỏng vấn sàng lọc
1. Phỏng vấn sàng lọc là gì?
- Phỏng vấn sàng lọc là quy trình giúp công ty quyết định nếu ứng viên có năng lực phù hợp. Quy trình sàng lọc là một phương pháp hiệu quả để loại những hồ sơ không đạt tiêu chuẩn theo công ty đề ra.
- Việc phỏng vấn có thể được thực hiện thông qua điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp. Cho dù doanh nghiệp phỏng vấn theo phương thức nào, việc làm này cũng sẽ giúp doanh nghiệp quyết định nếu ứng viên được đi tiếp vào vòng phỏng vấn tiếp theo hay không.
2. Mục đích của việc phỏng vấn sàng lọc?
Với phỏng vấn sàng lọc, nhà tuyển dụng có thể đào sâu vào những chi tiết sau:
Xác minh lý lịch ứng viên:
Xác minh lý lịch đóng vai trò quan trọng trong việc xác minh tính chính xác của hồ sơ của ứngviên. Nhà tuyển dụng sẽ có được cái nhìn sơ lược về tính cách của ứng viên.
Kiểm tra kiến thức doanh nghiệp:
Kiến thức doanh nghiệp không kém phần quan trọng, so với việc xác minh lý lịch. Qua đây, nhà tuyển dụng sẽ biết nếu ứng viên thật sự hứng thú với công ty, hoặc ứng viên và công ty có điểm chung nào không.
Qua việc xác minh lý lịch ứng viên cũng như kiểm tra kiến thức doanh nghiệp, nhà tuyển dụng có thể biết được liệu ứng viên là thực sự đáp ứng được trình độ chuyên môn cũng như phù hợp với văn hoá công ty hay không.
3. Danh sách những câu hỏi phỏng vấn sàng lọc
Dưới đây là danh sách những câu hỏi phỏng vấn sàng lọc mọi nhà tuyển dụng có thể tham khảo và áp dụng:
Bạn vẫn đang tìm kiếm cơ hội việc làm ?
Nhà tuyển dụng đã dành nhiều thời gian để tìm kiếm ứng viên, không ai biết chắc điều gì đã xảy ra trong khoảng thời gian đó. Ứng viên có thể đã chấp nhận thư mời nhận việc từ một công ty khác. Đây là lý do vì sao nhà tuyển dụng phải hỏi ứng viên nếu họ vẫn đang tìm kiếm cơ hội việc.
Bạn đang ở giai đoạn nào trong quá trình tìm kiếm công việc?
Việc ứng viên nộp đơn ứng tuyển nhiều hơn một vị trí là điều hoàn toàn bình thường, và để biết quá trình đó của họ, nhà tuyển dụng có thể đặt một mốc thời gian dự định sẽ đưa ứng viên đến bước tiếp theo.
Mô tả công việc hiện tại của bạn
Câu trả lời có thể được sử dụng để thu thập thông tin liên quan đến kỹ năng, công việc và xem xét nếu ứng viên có sự tương đồng nào với công việc đang tuyển.
Thế mạnh liên quan đến công việc của bạn là gì?
Yêu cầu ứng viên nêu từ 3-5 điểm mạnh kèm theo ví dụ.
Điểm yếu liên quan đến công việc của bạn là gì?
Yêu cầu ứng viên nêu từ 3-5 điểm yếu kèm theo ví dụ. Nếu ứng viên có nhiều hơn 6 điểm yếu, tốt nhất nhà tuyển dụng nên loại ứng viên đó.
Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?
Biết trước mong đợi của ứng viên sẽ giúp nhà tuyển dụng xem xét năng lực của doanh nghiệp trong việc chi trả lương.
Điều gì khiến bạn lựa chọn công ty chúng tôi thay vì những công ty khác
Điều này sẽ giúp bạn hiểu hơn về sự hứng thú của ứng viên đối với công ty cũng như kiến thức của họ về công ty. Ngoài ra, nhà tuyển dụng có thể sử dụng câu trả lời đó để đánh giá bảng mô tả công việc của mình xem nó đã đủ sức thu hút ứng viên chưa.
II. 7 Phương pháp sàng lọc ứng viên
1. Kiểm tra kỹ năng – Skills testing
Skills test là phương pháp công bằng cho tất cả ứng viên để xác định được kỹ năng, kiến thức chuyên môn của từng người. Đây cũng là cách nhà tuyển dụng xem xét ứng viên có đủ kỹ năng yêu cầu không.
Nhà tuyển dụng có thể cung cấp cho các ứng viên bài kiểm tra nhỏ thông qua website, app. Như vậy sẽ không tốn thời gian và nhân lực phía công ty để phỏng vấn trực tiếp. Sau khi hoàn thành và đạt tiêu chuẩn, ứng viên sẽ được đưa vào vòng phỏng vấn tiếp theo.
2. Đánh giá hồ sơ
Hồ sơ ứng tuyển thường là phần được đánh giá đầu tiên sau khi tiếp cận với ứng viên. Nhà tuyển dụng có thể đánh giá thủ công hoặc dựa vào các phần mềm chuyên dụng để đánh giá hồ sơ. Nếu càng có nhiều hồ sơ thì thời gian đánh giá của nhà tuyển dụng càng tăng. Vì vậy, các công ty lớn thường áp dụng các công nghệ AI vào việc sàng lọc hồ sơ.
Tuy nhiên đánh giá hồ sơ không phải là phương pháp tốt nhất, vì không phải tất cả hồ sơ đều phản ánh được tiềm năng, kỹ năng, trình độ của ứng viên. Vì vậy, việc sàng lọc qua hồ sơ dần được thay thế bằng các buổi sơ vấn qua điện thoại hoặc gọi trực tuyến.
3. Sàng lọc qua điện thoại
Sàng lọc trước khi phỏng vấn thường được gọi là Sơ vấn. Việc sơ vấn qua điện thoại để nắm bắt thông tin của ứng viên nhanh hơn, nhưng vẫn tốn nhiều thời gian để nhà tuyển dụng có thể gọi tất cả ứng viên.
Thường các cuộc gọi sơ vấn thường kéo dài 15-30 phút để hỏi các câu hỏi cơ bản như:
- Tại sao bạn lại tìm kiếm một công việc mới?
- Ba nhiệm vụ hàng đầu trong công việc bạn hiện có (hoặc trong công việc gần đây nhất của bạn) là gì?
- Kỹ năng tốt nhất của bạn là gì?
- Điểm yếu của bạn là gì?
Sau đó, nhà tuyển dụng có thể hướng dẫn ứng viên các bước tiếp theo trong quá tình tuyển dụng. Với cuộc gọi ngắn, bạn có thể nắm bắt sơ các kỳ vọng của ứng viên, thái độ, cách trò chuyện, và khuyến khích ứng viên tốt hơn.
4. Sàng lọc qua mạng xã hội
Phương pháp này không quá phổ biến, tuy nhiên không thể phản đối việc rất nhiều người đang sử dụng mạng xã hội hàng ngày, và đây là một kênh thu thập thông tin khá hiệu quả.
Bạn có thể kiểm tra cách một người thể hiện bản thân dựa vào hồ sơ mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo, Linkedin,… của họ. Các thông tin như trình độ học vấn, mối quan hệ, bạn bèm sở thích, kinh nghiệm, quan điểm của một người cũng có thể giúp nhà tuyển dụng đánh giá một ứng viên.
Tuy nhiên cũng có các vấn đề về quyền riêng tư hoặc các ứng viên tách biệt cuộc sống cá nhân với công việc nên cũng khó để đánh giá hoàn toàn ứng viên chỉ dựa vào mạng xã hội.
5. Thư xin việc
Hầu như tất cả nhà tuyển dụng đều yêu cầu ứng viên cung cấp một Cover letter khi ứng tuyển. Đây là nơi thể hiện kỹ năng viết, tính cách của ứng viên.
Thông qua cách họ trình bày, cung cấp thông tin cho nhà tuyển dụng trong thư. Bạn có thể đánh giá cách tổ chức câu từ, các thông tin có đầy đủ hay chưa, đó đúng với yêu cầu đưa ra không,…
Ưu và nhược điểm của phương pháp này cũng tương tự như phương pháp đánh giá hồ sơ ứng viên.
6. Phỏng vấn qua video
Phương pháp này thường được áp dụng cho các vị trí làm việc từ xa – Remote. Thường có 3 dạng:
- Video call: Gọi điện trực tuyến có hình ảnh: Sơ vấn thông qua Zoom, Google meet, Skype,… nhà tuyển dụng và ứng viên sẽ gặp trực tuyến và trao đổi thông tin
- Video quay sẵn: Nhà tuyển dụng sẽ gửi một số câu hỏi cho ứng viên, sau đó ứng viên sẽ quay video lại câu trả lời của mình và gửi cho nhà tuyển dụng. Lúc này nhà tuyển dụng có thể xem và đánh giá sau.
- Video resume: Nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu tất cả ứng viên quay video giới thiệu bản thân, kinh nghiệm làm việc,… ngắn gọn để đánh giá
Qua phương pháp này nhà tuyển dụng có thể đánh giá kỹ năng giao tiếp của ứng viên. Mặc dù tốn thời gian gần như một buổi phỏng vấn bình thường nhưng hiệu quả khá cao.
7. Làm bài test hoặc dự án thử nghiệm
Giống như các bài kiểm tra kỹ năng, đây là những cách cực kỳ hiệu quả để đánh giá xem một người có thể hoàn thành công việc yêu cầu hay không.
Dựa vào kết quả bài test, dự án bạn có thể đánh giá năng lực, cách xử lý tình huống, quản lý thời gian làm việc của các ứng viên. Tuy nhiên phương pháp này sẽ tốn thời gian để nhà tuyển dụng ra đề và ứng viên thử nghiệm, vì vậy, bạn nên áp dụng phương pháp này cho các ứng viên tiềm năng.