Bí Quyết Gắn Kết Và Truyền Cảm Hứng Cho Nhân Viên2023.01.12

  • Tiến sĩ Jim Harter của Viện nghiên cứu Gallup chỉ ra: “Những nhân viên có sự kết nối cao sẽ để tâm nhiều hơn đến nhu cầu của đồng nghiệp và doanh nghiệp, bởi cá nhân họ không chỉ chịu trách nhiệm cho kết quả bản thân mà còn quan tâm đến kết quả chung của tổ chức”. Do vậy, gắn kết và truyền cảm hứng cho nhân viên là điều lãnh đạo cần làm.
 
  • Vì sao nên gắn kết và truyền cảm hứng cho nhân viên?

 
  • Nhân viên giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động và đóng góp vào thành công chung của công ty. Một đội ngũ nhân viên giàu cảm hứng và có sự gắn kết luôn sẵn sàng tiếp nhận công việc, phối hợp nhau hoàn thành nhiệm vụ, đem đến kết quả tối ưu. Những nhân viên gắn kết sẽ cảm thấy hứng thú và hài lòng với công việc hiện tại, cả về mặt thể chất, cảm xúc hay tinh thần.
  • Nếu nhà lãnh đạo biết cách tạo động lực và gắn kết nhân viên sẽ giúp tạo ra một loại năng lực gọi là “năng lực tự nguyện” của mỗi cá nhân, thúc đẩy họ cống hiến.
 
  • Gắn kết nhân viên bằng cách nào?

 
  • Khái niệm gắn kết nhân viên được hoàn hảo nhất khi kết hợp 3 yếu tố: Bộ não – Trái tim – Bàn tay, thể hiện sự tin tưởng về mặt lý trí, sự hài lòng về tình cảm và những hành động cụ thể. Để gắn kết nhân viên trong doanh nghiệp, bạn cần bắt đầu bằng việc tạo ra sự liên kết cá nhân của họ.
 
  • Lắng nghe nhân viên

 
  • Ngay cả nhân viên tài năng cũng khó giữ được tập trung và năng lượng làm việc khi sự kết nối giữa họ và quản lý trở nên mờ nhạt. Lắng nghe lúc nào cũng quan trọng hơn lời nói. Vì vậy, dù bạn có bận rộn đến mấy, hãy luôn dành thời gian để lắng nghe tâm sự của nhân viên, những khúc mắc, khó khăn mà họ đang phải đối mặt, từ đó đưa ra gợi ý để nhân viên giải quyết công việc.
 
  • Đưa ra phản hồi trung thực

 
  • Khi nhận được kết quả công việc, dù đó là kết quả tốt hay xấu thì những phản hồi trung thực từ phía lãnh đạo cũng sẽ nhận lại sự tôn trọng của nhân viên. Nếu đó là phản hồi tích cực, nhân viên có thêm động lực làm việc, còn nếu đó là phản hồi tiêu cực vì chất lượng công việc chưa tốt, nhân viên sẽ cố gắng để làm tốt hơn.
 
  • Chỉ ra sự quan trọng của công việc họ đang làm

 
  • Thật khó để gắn kết mọi người khi môi trường làm việc rơi vào trạng thái rời rạc. Để nhân viên hiểu được công việc họ đang làm có sự kết nối với chất lượng sản phẩm chung của doanh nghiệp, người quản lý cần chỉ ra công việc họ đang thực hiện có ảnh hưởng thế nào. Khi nhân viên hiểu được tầm quan trọng của mình, họ tự khắc đặt ra mục tiêu và nỗ lực thực hiện vì mục tiêu chung.
 
  • Quan tâm tới công việc của mọi người

 
  • Một điều khó có thể giả mạo đó chính là hành động quan tâm đến mọi người và chỉ cho họ những điều tuyệt vời nhất. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo ích kỷ, chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân mà quên đi sự quan tâm thật lòng, bạn không những thất bại trong việc gắn kết nhân viên mà còn vô tình tạo ra khoảng cách giữa nhân viên và quản lý.
 
  • Trao quyền cho nhân viên tự quản lý hoạt động của mình

 
  • Hiện nay, một số phần mềm như Office, hệ thống ERP hoặc SAP cho phép nhân viên lên kế hoạch làm việc, kiểm tra tiến trình công việc cũng như kết quả thu được. Bằng cách này, tính độc lập tự chủ trong công việc được nâng cao, đồng thời bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian họp hành, báo cáo trong khi bạn hoàn toàn có thể kiểm soát, đánh giá qua hệ thống các phần mềm đó. Điều này không chỉ tăng tính trách nhiệm, đảm bảo thời hạn hoàn thành nhiệm vụ mà còn tạo cảm giác thoải mái cho nhân viên.
 
  • Truyền cảm hứng cho nhân viên qua những câu nói

 
  • “Xin lỗi!”
  • Không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả, kể cả những người ở vị trí cao nhất cũng có thể phạm phải sai lầm. Nếu bạn có lỗi, hãy bắt đầu giải quyết nó bằng lời xin lỗi chân thành, sau đó tìm phương pháp tốt nhất để cải thiện tình hình. Bằng cách này, nhân viên cũng học được cách không bao giờ che giấu sai sót của mình mà tự tin đối mặt để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.
  • “Cảm ơn!”
  • Một tập thể vững mạnh bao giờ cũng là sự tổng hợp công sức của nhiều người và mỗi thành tích tốt cần được ghi nhận xứng đáng. Hãy khuyến khích nhân viên bằng cách cảm ơn họ cho mỗi đóng góp, nỗ lực hết mình trong công việc. Bạn không mất nhiều thời gian để nói lời cảm ơn, mặt khác còn hỗ trợ thúc đẩy tinh thần làm việc cho nhân viên của bạn.
 
  • “Mục tiêu của chúng ta là…”

 
  • Bạn sẽ không bao giờ nhận được kết quả tốt đẹp nếu chưa có mục tiêu rõ ràng. Nhiệm vụ của người Quản lý là nhắc nhở nhân viên về mục tiêu chung của công ty hoặc mục tiêu cho từng công việc cụ thể. Nhờ vậy, mỗi bước hành động của nhân viên sẽ luôn đi đúng hướng với ý định ban đầu đề ra.
 
  • “Chúng ta cần tập trung vào…”

 
  • Mỗi thời điểm sẽ có sự thay đổi về trọng tâm, vì vậy khi triển khai dự án mới, bạn cần thông báo về những công việc cần được ưu tiên giải quyết hàng đầu. Việc trao đổi này giúp nhân sự trong công ty nắm rõ phần nhiệm vụ của mình, từ đó lên kế hoạch cụ thể trong khoảng thời gian nhất định và thực hiện theo trình tự hợp lý.
 
  • “Bạn hiểu thế nào về…”

 
  • Lãnh đạo xuất sắc luôn tạo điều kiện để cấp dưới có cơ hội nêu ý kiến của mình. Không chỉ giúp nhân viên có tiếng nói riêng, bạn có thể thu thập được nhiều ý tưởng sáng tạo mới mẻ cho dự án sắp tới. Vì mỗi người đều là “chuyên gia” trong lĩnh vực mà họ đang đảm nhận nên hãy cho họ thấy bạn luôn đánh giá cao chuyên môn đó và sẵn sàng lắng nghe ý kiến.
 
  • “Đây là thử thách dành cho chúng ta”

 
  • Không nhà lãnh đạo giỏi nào lại né tránh khó khăn, thử thách cả. Việc truyền cảm hứng có thể đến từ khả năng chỉ ra rõ thách thức mà công ty bạn đang phải đối mặt, phân loại, gọi tên và cùng những nhân viên khác thảo luận tìm ra phương án giải quyết hiệu quả.
 
  • “Cùng nhìn lại…”

 
  • Sau mỗi lần hoàn thành dự án, việc cùng nhau nhìn lại toàn bộ quá trình sẽ giúp bạn và nhân viên của mình nhìn nhận những vấn đề tồn đọng trong công tác hoạt động. Từ đó, bạn biết cách rút kinh nghiệm cho các dự án tiếp theo.
 
  • “Chúng ta đã làm được rồi” – “Bạn làm rất tốt” – “Chúc mừng bạn”

 
  • Lời tán dương luôn mang đến động lực làm việc tích cực cho bất kỳ nhân viên nào, vì vậy bạn đừng ngại đưa lời khen đến người xứng đáng nhận được. Khen ngợi sẽ khích lệ tinh thần cá nhân và giúp họ tự tin làm tốt công việc được giao.
  • Sự thành công của một công ty, tổ chức luôn đến từ sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ nhân viên. Để giúp nhân viên có thêm động lực cống hiến, người quản lý cần tạo ra sự gắn kết và truyền cảm hứng cho họ.