BÍ QUYẾT ĐỂ CÓ ĐƯỢC CÔNG VIỆC TỐT SAU TUỔI "TỨ TUẦN"
BÍ QUYẾT ĐỂ CÓ ĐƯỢC CÔNG VIỆC TỐT SAU TUỔI "TỨ TUẦN"2022.06.10
Ngay cả vào những thời điểm có nhu cầu tuyển dụng cao, rất ít cơ hội cho người trên 50 tuổi có thể cạnh tranh, do thực tế tuổi trẻ được coi trọng hơn kinh nghiệm.
Đại dịch gây khó khăn cho người lao động trung niên, khiến họ mất việc hàng loạt và khó quay lại thị trường. Nhiều người bày tỏ lo ngại sự biến động trong văn hóa công sở do Covid-19 sẽ khiến nhà tuyển dụng định kiến rằng lao động có tay nghề lớn tuổi không muốn quay lại văn phòng hoặc khó thích nghi với cách làm việc mới.
Cuộc khảo sát năm 2020 của Tổ chức phi lợi nhuận AARP (Mỹ) cho thấy, 78% người lao động từ 40 đến 65 cho biết đã bị phân biệt tuổi tác, tỷ lệ cao nhất kể từ khi tổ chức bắt đầu theo dõi câu hỏi này vào năm 2003.
Dưới đây là vài chiến lược của các chuyên gia giúp người trung niên có công việc tốt hơn.
Giải quyết vấn đề phân biệt tuổi tác
Hãy đối mặt với thực tế bị phân biệt tuổi tác thay vì né tránh. Một số người nói rằng họ đang làm như vậy bằng cách tỏ ra trẻ trung, cả khi gặp trực tiếp hay qua hồ sơ. Những người khác đang tự giới thiệu mình “là cố vấn không thể thiếu cho các đồng nghiệp trẻ”.
“Bạn không bao giờ được bỏ cuộc”, cô Jennifer Kay Rouse, 61 tuổi, sẽ bắt đầu công việc mới trong tháng này với tư cách là giám đốc khách hàng sau khi mất vị trí quản lý bán hàng năm ngoái, cho biết.
Chủ nghĩa tuổi tác vẫn là một trong những hình thức phân biệt đối xử ngầm trong công việc, theo các chuyên gia nghiên cứu học thuật và việc làm. Trong một nghiên cứu năm 2021, các nhà nghiên cứu tại các đại học New York và Stanford, Mỹ đã phát hiện những người phản đối phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính tại nơi làm việc, vẫn có khả năng nuôi dưỡng định kiến với nhân viên lớn tuổi.
Trong khi đó, nhiều tin tuyển dụng dường như nhắm mục tiêu đến những người tìm việc trẻ ví như “ưu tiên sinh viên mới tốt nghiệp”, “tuổi dưới 30” và các nhà tuyển dụng tập trung nỗ lực vào những “ngôi sao đang lên” hơn là những “cựu binh”.
Trau chuốt sơ yếu lý lịch
Rouse ở Waukesha, bang Wisconsin, nói rằng việc nhờ một cấp trên, đồng nghiệp cũ hoặc các nhà tuyển dụng nhận xét vào bản sơ yếu lý lịch của bà các từ như “có năng lực”, “thành tích tốt”… đã giúp bà có được công việc mới tại một công ty tự động hóa công nghiệp. Rouse duy trì vẻ ngoài trẻ trung bằng cách giữ dáng và mặc trang phục trẻ, tóc ngắn, cạo một chút phía sau gáy cho thời thượng.
Người phỏng vấn không đề cập trực tiếp tuổi tác nhưng ám chỉ rằng kinh nghiệm lâu năm của bà có thể khiến một số nhà tuyển dụng cho rằng ứng viên đến phỏng vấn với thái độ cao ngạo hoặc tỏ ra “biết tuốt”. Vì vậy, Rouse đã điều chỉnh cách tiếp cận, nhấn mạnh trong các cuộc phỏng vấn rằng bà là người có tinh thần đồng đội cao, có thể cố vấn cho các đồng nghiệp trẻ hơn, đồng thời cũng cởi mở để học hỏi từ họ.
Bà cũng bỏ 125 USD thuê một người cố vấn sơ yếu lý lịch trên LinkedIn. Người này đã giúp làm mới hồ sơ với định dạng hiện đại hơn và các cụm từ có tác động đến nhà tuyển dụng, chẳng hạn như “có mối quan hệ khách hàng đặc biệt”.
Hiện công việc mới cho bà thu nhập tốt hơn trước. “Tôi yêu công việc kinh doanh và thích lập chiến lược để phục vụ khách hàng tốt nhất. Tôi chưa sẵn sàng để từ bỏ tất cả những điều đó”, bà nói.
Tránh các phần mềm tự động (bot) sàng lọc ứng viên
Nhà tuyển dụng có thể không trực tiếp từ chối ứng viên vì tuổi, nhưng chủ nghĩa phân biệt tuổi tác vẫn tồn tại tinh vi trong tin tuyển dụng hay các phần mềm sàng lọc hồ sơ. Bị cho nghỉ việc năm 2018 với vị trí quản lý cấp trung về giao hàng và logistics tại công ty đã làm việc 17 năm, Dale Johnston, 56 tuổi, cho biết đã chuẩn bị cho các thuật toán có khả năng sàng lọc lý lịch của mình, chẳng hạn thay vì “17 năm” sẽ viết “hơn 10 năm”.
“Tôi phải rất ý thức về những gì đưa vào và khung thời gian để vượt qua bot và AI. Tôi không tiết lộ cụ thể tuổi hay các mốc thời gian”, Johnston, sống ở Bellingham, Wash nói.
Ông đã cắt tóc ngắn khi đi phỏng vấn vì tóc dài sẽ lộ nhiều sợi bạc. Năm 2019, ông được tuyển làm nhà phân tích, nhưng sau một năm lại mất việc. Ông vẫn sử dụng chiêu này để xin làm giám đốc trong công ty logistics khác và vẫn làm việc từ đó tới nay.
Định vị bản thân như một người cố vấn
Ginny Cheng, một nhà tuyển dụng và huấn luyện nghề nghiệp ở San Francisco (Mỹ), khuyên khách hàng rằng tốt hơn nên xóa những năm đầu khỏi hồ sơ xin việc nếu khoảng thời gian đó không có nhiều ý nghĩa. “Nếu tổng kinh nghiệm làm việc của bạn trên 25 năm nhưng 15 năm qua của bạn phù hợp nhất với những cơ hội mới, bạn có thể tập trung vào dòng thời gian mới này thôi”, cô nói.
“Điểm mấu chốt là đặt trọng tâm vào tài năng của bạn chứ không phải tuổi tác”, Richard W. Johnson, giám đốc chương trình về chính sách hưu trí tại Viện Đô thị, Mỹ cho biết.
Năm 2018, Harry Moseley nghỉ hưu ở tuổi 62 khỏi vị trí giám đốc thông tin, nhưng chỉ vài tháng sau đã quay trở lại lực lượng lao động bằng cách định vị lại bản thân với tư cách người cố vấn.
Khi muốn quay lại, ông cho mạng lưới của mình biết bản thân vẫn luôn sẵn sàng với các dự án mới và không chống lại sự thay đổi trong văn hóa công sở. Một người trong mạng lưới đã mời ông làm giám đốc thông tin toàn cầu tại Zoom Video Communications. Ban đầu Moseley không nghĩ mình sẽ làm việc toàn thời gian, song vị trí mới khiến ông phấn khích. “Tôi nghĩ sẽ rất thú vị và bản thân có thể đóng góp gì đó”, ông nói.
Nhờ tư tưởng tiếp nhận cái mới và kinh nghiệm sẵn có để giúp đỡ đồng nghiệp, Moseley chủ động nơi làm việc.